Theo báo cáo từ China Labor Watch, công nhân tại Pegatron - một trong những nhà máy sản xuất iPhone lớn ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc – đang chịu hoàn cảnh tăng ca và giảm tiền làm thêm giờ. Họ đã bị đối xử như vậy đã khá lâu, nhưng đến nay mới bị phanh phui.
Cụ thể, có tới 40 đến 70% lao động tại nhà máy Pegatron phải làm việc thêm đến 90 giờ mỗi tuần, vượt xa con số 60 giờ tiêu chuẩn. Công nhân bị buộc phải ở lại làm thêm thay vì tự nguyện và họ cũng không được cấp phép, tức là nhà máy sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố.
Không chỉ công nhân, những sinh viên thực tập cũng bị buộc phải tăng thời gian làm việc trung bình 80 giờ mỗi tháng. Theo luật lao động Trung Quốc, đây là đối tượng mà doanh nghiệp không được phép yêu cầu làm thêm giờ.
Dù làm thêm giờ gấp rưỡi so với tiêu chuẩn, nhưng tiền công của công nhân lại bị cắt tới 25 cent mỗi giờ từ giữa 2015 đến nay. Ngoài ra, họ còn không được hưởng các chính sách vốn phải có của người lao động trong thời gian làm thêm, như trợ cấp ăn uống, bảo hiểm y tế…
"Người lao động không hài lòng về chính sách mà nhà máy đang dành cho họ, nhưng bất lực bởi phản kháng đồng nghĩa với thất nghiệp. Còn nếu không làm, đời sống của họ sẽ vô cùng khó khăn do lương cơ bản quá thấp", Li Qiang, sáng lập kiêm CEO China Labor Watch, cho biết.
Pegatron cũng đã lập tức có phản hồi sau khi các số liệu trên được công bố. Đại diện nhà máy này khẳng định, không có trường hợp nào làm thêm vượt 60 giờ, bởi họ theo dõi công nhân bằng hồ sơ điện tử, cũng như xây dựng hệ thống giám sát giờ giấc bằng máy quét ID và nét mặt.
"60 giờ làm thêm mỗi tháng là con số quá cao và số liệu báo cáo hoàn toàn không đúng sự thật. Pegatron đang cố gắng cung cấp cho người lao động môi trường làm việc lành mạnh ở mọi nhà máy do chúng tôi quản lý", phát ngôn viên Pegatron nhấn mạnh.
Apple cho biết sẽ điều tra vấn đề này. "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho công nhân. Apple cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng làm thêm giờ. Hiện nhân viên chúng tôi đang làm việc với đối tác và sẽ công bố kết quả sớm", đại diện Apple nói.
China Labor Watch là tổ chức độc lập chuyên giám sát các hoạt động liên quan đến lao động tại Trung Quốc. Để có được số liệu trên, tổ chức này đã thu thập và phân tích dựa trên 2.015 phiếu lương của người lao động tại Pegatron từ giữa tháng 5/2015 đến 5/2016. Ngoài Apple, họ còn giám sát điều kiện làm việc trong nhà máy của công nhân đối với Samsung, Adidas và Walmart.
Apple là công ty từng phải hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến vấn đề đời sống công nhân trong các nhà máy đối tác sản xuất sản phẩm của họ tại Trung Quốc. Trong quá khứ, không hiếm các trường hợp bị bệnh tật, thậm chí bị trầm cảm, tự tử do làm thêm quá giờ so với quy định. Để hạn chế, hãng điện tử có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) đã thực hiện các cuộc kiểm tra hàng năm để đảm bảo rằng công nhân tại các nhà máy chỉ được làm thêm tối đa không quá 60 giờ.
Bảo Lâm (theo Washington Post)