Gần một tháng qua, bữa cơm của gia đình chị Nguyễn Thị Út, công nhân Công ty TNHH Samho Việt Nam (huyện Củ Chi) thường chỉ một món cà sống chấm mắm ruốc, tiền nhà trọ đã quá hạn 10 ngày chưa trả. Hơn 2 tháng qua, chị Út cùng chồng (làm thợ hồ) đều mất việc, không có thu nhập.
Công ty của chị Út tạm đóng cửa ngày 14/7 do dịch. 14 ngày đầu chị vẫn nhận mức lương tối thiểu vùng từ công ty. Ngày 31/7, với lý do khó khăn về tài chính, doanh nghiệp thông báo tạm hoãn hợp đồng với tất cả người lao động, thu nhập của nữ công nhân bị cắt đứt. Nhà máy thông báo đang nộp hồ sơ xin hỗ trợ mức 3,71 triệu đồng cho những người mất việc trên một tháng.
"Đến nay gần 2 tháng mà tôi chưa nhận được tiền hỗ trợ", chị Út nói. Bị chủ nhà hối tiền trọ, không có tiền mua thức ăn nên gần chục ngày qua chị liên tục gọi điện đến phòng nhân sự của công ty để hỏi nhưng không có kết quả. Nữ công nhân cho hay nếu tình trạng này kéo dài cả nhà sẽ tìm cách về quê ở An Giang.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, đại diện Công ty Samho Việt Nam cho hay, chị Út một trong 9.200 lao động của công ty mất việc nhưng chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng). Ngày 28/7, công ty nộp hồ sơ xin hỗ trợ cho công nhân qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau đó, Bảo hiểm xã hội huyện Củ Chi duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp, chuyển sang Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện để xem xét nhưng bị trả về.
"Mỗi ngày tôi nhận hàng trăm cuộc điện thoại của công nhân than phiền lao động tự do chuẩn bị nhận tiền lần thứ 3 mà họ không được gì. Người lao động bức xúc đòi về quê vì ở đây không biết lấy gì sống", bà Hằng chia sẻ.
Lý giải việc hồ sơ của Công ty Samho Việt Nam bị trả, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức nói rằng lúc đó UBND TP HCM chưa ủy quyền để huyện thực hiện Quyết định phê duyệt danh sách và chi kinh phí cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Đến ngày 13/9, lãnh đạo thành phố đã ủy quyền, công ty tiếp tục gửi hồ sơ nhưng UBND huyện lại chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM về việc chi hỗ trợ theo gói này.
Tương tự, từ ngày 15/7 đến nay, Công ty cổ phần thương mai cơ khí Tân Thanh (TP Thủ Đức) tạm hoãn hợp đồng lao động với 180 người. Để công nhân bớt khó khăn, doanh nghiệp làm thủ tục để họ được hưởng hỗ trợ 3,71 triệu đồng theo gói 26.000 tỷ đồng cho thời gian nghỉ trên một tháng.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết bộ phận nhân sự phải nhiều lần tới các cơ quan chức năng bổ sung hồ sơ. Trong đó, khó nhất là việc cung cấp danh sách có ký tên từng người, bởi hơn 50% số lao động này đã về quê tránh dịch. Trong tình thế đó, chủ doanh nghiệp ký tên xác nhận thay và cam kết bổ sung chữ ký người lao động đầy đủ khi họ trở lại làm việc. Phần thủ tục được thông qua nhưng đến nay chưa ai được nhận được tiền.
Hiện, TP HCM có gần 23.000 đơn vị, doanh nghiệp với trên 300.000 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ và gói riêng của thành phố theo Nghị quyết 09 HĐND thành phố triển khai từ đầu tháng 7.
Theo số liệu tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ người dân khó khăn do dịch của HĐND TP HCM, đến ngày 12/9, gần 76.000 lao động nhận 1,8 triệu đồng/người theo Nghị quyết 09. Các hồ sơ đề nghị nhận trợ giúp theo gói 26.000 tỷ đồng vẫn phải chờ do các quận, huyện, TP Thủ Đức chưa có hướng dẫn. Trước sự chậm trễ này, ngày 15/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị giải đáp một số vướng mắc thực hiện gói 26.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, phần lớn vướng mắc của TP HCM rơi vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất, thành phố hỏi "có bắt buộc phải làm từng văn bản thỏa thuận ngừng việc với từng người hay không". Bộ hướng dẫn nếu có văn bản sẽ sử dụng, còn vì lý do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể làm văn bản, hai bên có thể thực hiện bằng các hình thức khác như qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử... Người làm văn bản chịu trách nhiệm tính chính xác nội dung thỏa thuận.
Nhóm nội dung thứ hai, thành phố đặt vấn đề với những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện "3 tại chỗ", "một cung đường – 2 điểm đến" phải ngừng sản xuất có được xem "phải tạm dừng hoạt động" theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền để phòng, chống dịch hay không; người lao động trong trường hợp này được hưởng gói 26.000 tỷ đồng không? Bộ trả lời doanh nghiệp, người lao động trong tình huống này thuộc nhóm được hỗ trợ.
"Các thắc mắc đều được giải đáp, TP HCM căn cứ vào đó thực hiện. Nếu cứ hỏi tới lui, biết bao giờ lao động khó khăn nhận được hỗ trợ", ông Bình đặt câu hỏi.
Trả lời VnExpress, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói rằng thời gian đầu việc hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, không hưởng lương gặp khó khăn do doanh nghiệp chưa chủ động, ngại thủ tục rườm rà. Hiện thành phố đẩy nhanh các gói hỗ trợ trong đó có nhóm công nhân mất việc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM sẽ có hướng dẫn các địa phương.
TP HCM hiện có hơn 4,7 triệu lao động, trong đó người làm công ăn lương trên 3,2 triệu người ở gần 287.000 doanh nghiệp và hơn 465.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ ngày 31/5, thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội nhiều đơn vị dừng hoạt động khiến hàng triệu lao động bị mất việc, giảm thu nhập, không còn kế sinh nhai. Để hỗ trợ người dân, TP HCM triển khai cùng lúc nhiều gói hỗ trợ trong đó có gói chung 26.000 tỷ đồng và 3 gói riêng với tổng kinh phí hơn 11.500 tỷ đồng.
Lê Tuyết