Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương ngày 13/2 ra kết luận áp dụng biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19 với doanh nghiệp ở Cẩm Giàng sau Tết Tân Sửu, khi toàn bộ huyện này vẫn phong tỏa. Chính sách áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp, trong và ngoài khu công nghiệp, bao gồm khu công nghiệp Đại An mở rộng thuộc huyện Cẩm Giàng, tránh nguy cơ lây lan từ công nhân trong các nhà máy.
Hải Dương chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, công nhân ở tỉnh khác đang tạm trú ở Cẩm Giàng tới công ty làm việc. Những công nhân này phải có xác nhận của UBND xã nơi đang thường trú, tạm trú. Khi trở lại nhà máy, công nhân được lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả âm tính mới được làm việc tiếp. Nhà máy, phân xưởng có công nhân nhiễm nCoV phải dừng sản xuất. Hết giờ làm việc, công nhân không được di chuyển ra khỏi nơi cư trú.
Công nhân đang thường trú ngoài Cẩm Giàng tạm thời chưa quay lại làm việc và cách ly tại nhà cho đến khi có thông báo mới. Chính quyền địa phương tại nơi các công nhân cư trú lấy mẫu xét nghiệm (mẫu gộp) toàn bộ thành viên gia đình của những công nhân này.
Chính quyền Hải Dương cũng giao Ban quản lý các Khu công nghiệp vận động nhà máy có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xin dừng sản xuất một thời gian. Công an tỉnh tăng lực lượng tại các chốt chặn khu dân cư, nhất là cổng các khu công nghiệp. Chủ trương này thông báo rộng rãi tới công nhân và người dân.
Toàn bộ huyện Cẩm Giàng bị phong tỏa từ 18h ngày 5/2 khi ghi nhận 10 ca mắc Covid-19. Chính quyền Hải Dương đánh giá đây là ổ dịch đang có diễn biến phức tạp nhất khi tập trung nhiều khu công nghiệp. Toàn huyện có khoảng 60.000 công nhân làm việc.
Lây nhiễm cộng đồng bùng phát tính từ 28/1, dịch lan ra 13 tỉnh thành. Hải Dương ghi nhận 430 ca nhiễm Covid-19, nhiều nhất cả nước.
Hoàng Phương