Thứ tư, 27/11/2024
Thứ tư, 27/7/2022, 11:30 (GMT+7)

Công nhân điện lực làm tăng cường đợt nóng cao điểm

Hà NộiCác công nhân điện lực thường xuyên làm việc dưới trời nắng 40 độ, từ tối đến nửa đêm để không gián đoạn việc cung cấp điện cho người dân đợt nắng nóng kéo dài.

Miền Bắc đang trong đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè. Tại Hà Nội, những ngày qua, trạm quan trắc đều ghi nhận 36-38 độ C - ngưỡng nắng nóng cao điểm. Đây là mức nhiệt trong lều khí tượng, có mái che, thực tế ngoài trời phải cao hơn 2-4 độ tùy khu vực.
Nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân thủ đô ngày càng tăng cao. Để đảm bảo không gặp sự cố lưới điện lúc cao điểm, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) huy động 100% đội ngũ nhân sự thường xuyên làm việc ngoài trời từ sáng sớm đến tối, thậm chí đêm muộn.

54% lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội được dùng trong sinh hoạt. Do đó, khi nắng nóng, sự biến động về nhu cầu sử dụng rất lớn và liên tục. Theo EVNHANOI, có thời điểm, phụ tải điện chạm mức gấp đôi bình thường, đến 80%, thậm chí 100% công suất ở các trung tâm sản xuất. "Do đó, việc tăng cường trực, kiểm tra liên tục nhiều lần trong ngày là điều quan trọng", anh Vũ Hoàng Tú (Công ty Điện lực Thanh Trì) nói.

Theo anh Tú, đội quản lý điện đi kiểm tra đo dòng, chụp ảnh nhiệt, các điểm đầu nối trên lưới điện... hai lần một ngày. Mỗi lần kiểm tra kéo dài 30-40 phút. Nếu phát hiện các nguy cơ gây sự cố như quá tải, rỉ dầu..., nhóm công nhân sẽ phải xử lý ngay lập tức để tránh sự cố kéo dài.

Anh Tú giải thích, lưới điện có ba pha lửa, một pha nguội. Đa phần người dân sinh hoạt dùng đường dây một pha, từ đó, tạo ra sự chênh lệch điện áp. Vì vậy, công nhân điện lực phải đi cân đảo để cân bằng ở nguồn.
"Càng nóng, chúng tôi càng phải ra lưới điện làm. Trong những ngày cao điểm, công nhân điện lực phải làm việc ngoài đường gần như 24/24 để kiểm tra cân đảo pha", anh nói thêm.

Nhiệt độ càng tăng, các công nhân càng phải đường kiểm tra từng ngõ, từng vị trí cột. Đến đêm, họ cũng túc trực kiểm tra vận hành trên toàn bộ hệ thống lưới điện để phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố. Đồng thời, sử dụng máy chụp ảnh nhiệt để quét, rà điểm đầu nối trên lưới bởi đêm là thời điểm sử dụng điện cao nhất. Nếu có nguy cơ trục trặc, dây dẫn không đủ tải, công nhân buộc phải san tải sang các vùng lân cận hay bổ sung đường trục ngay trong đêm.

Anh Lê Hữu Dũng (Đội quản lý điện số 5, Công ty Điện lực Thanh Trì) chia sẻ, dù kiểm tra liên tục song sự cố vẫn có thể xảy ra, khi đó đội quản lý điện phải xử lý ngay và hoàn thành trong vòng hai tiếng. Nếu sự cố quá nặng, công ty điện lực sẽ thông báo đến người dân.
"Nghĩ đến gia đình mình nếu không có điện để sử dụng trong thời tiết này sẽ rất khổ nên tôi cố gắng làm việc nhanh nhất có thể", anh chia sẻ.

Công nhân Đội quản lý điện số 4, Công ty Điện lực Hoàng Mai đang tăng cường đường trục tại một con ngõ nhỏ thuộc phường Thanh Trì trong cao điểm nắng nóng.

Bên cạnh việc tăng cường đường trục, khi phát hiện nguy cơ quá tải, công ty điện lực cũng sẽ có một số biện pháp khác để tránh sự cố nặng như san tải ra các vùng lân cận, nâng công suất máy, vận động khách hàng sản xuất hạn chế trong giờ cao điểm...

Anh Trần Quốc Thành cùng đồng đội trong Đội quản lý điện 4, Công ty điện lực Hoàng Mai đang xử lý đường lưới điện cho khu dân cư đông đúc dưới cái nóng ngoài trời khoảng 40 độ C. Sau đó, anh và các công nhân tiếp tục di chuyển đến 4 trạm khác trên địa bàn quận, dự kiến kiểm tra đến 19h đảm bảo không gặp sự cố vào ban đêm, khi người dân có nhu cầu sử dụng điện cao nhất.
"Mấy ngày nay, tôi và đồng nghiệp thay ca tăng cường ứng trực cũng như làm việc từ 6h sáng đến 0h", vị công nhân này cho biết.

Những lúc không làm việc ngoài trời, các công nhân sẽ khảo sát cấp điện mới, khảo sát định kỳ trạm biến áp, quản lý công tác ghi chỉ số, phát triển khách hàng tham gia các kênh thông tin số và thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng...
"Dù công việc vất vả nhưng chúng tôi đều gắn bó với nghề bởi công việc mang lại niềm vui cho người dân", một công nhân chia sẻ trong lúc nghỉ ngơi.

Nhật Lệ
Ảnh: Đình Tùng