Dầu mỏ - ngành công nghiệp từng là xương sống của quốc gia giàu nhất Mỹ Latin này giờ đây chỉ còn là những dự án dang dở và cơ sở hạ tầng bỏ hoang. Các công nhân ngành này, mới cách đây nhiều năm còn hưởng đặc quyền bậc nhất Venezuela, thì nay là những người phải trả cái giá đắt nhất cho việc nước này rơi vào vòng xoáy lạm phát. Lương tháng của họ giờ chỉ tương đương vài USD.
Thị trấn Punta de Mata từng là trung tâm của ngành này. Nhưng giờ đây, nó chỉ là hình ảnh thu nhỏ cho cuộc khủng hoảng của cả nước.
“Khi chúng tôi bắt đầu làm việc năm 2005, nơi này có vài giếng dầu hoạt động. Giờ anh khó mà nhìn thấy khoảng 5-6 giếng vẫn còn vận hành, ít nhất là tại khu vực này”, Jose Luis Ramirez - người điều hành giàn khoan dầu tại một trong các giếng do CNPC (Trung Quốc) khai thác cùng hãng dầu quốc doanh Venezuela - PDVSA cho biết.
“Chúng tôi phải bán quần để sống. Bán cả ủng, găng tay nữa mỗi lần nhận đồ. Cứ vài tháng, chúng tôi lại phải bán chúng đi để mua thức ăn”, Ramirez kể về sự chật vật hàng ngày của mình, “Ăn bánh bột ngô với bơ vẫn còn hơn là ăn bánh không chứ”.
Dù vậy, rất nhiều đồng nghiệp của Ramirez còn chẳng mua nổi bánh bột ngô để ăn. Một công nhân dầu mỏ khác cho biết lương của anh từng thừa đủ nuôi 5 người con, và mua thêm nhiều thứ nữa. Trung bình, một gia đình như vậy cần 30 triệu bolivar mỗi tháng. Nhưng lương của công dân dầu mỏ như anh giờ chỉ xấp xỉ 2,5 triệu bolivar.
“Thỉnh thoảng tôi phải khóc một mình, vì không thể mua cho bọn trẻ những thứ chúng muốn”, anh nói.
Chỉ một số cá nhân, tổ chức là được đổi bolivar với tỷ giá ưu đãi của Chính phủ Venezuela. Còn phần lớn hoạt động đổi tiền là theo tỷ giá chợ đen - bất hợp pháp nhưng phổ biến.
Đầu tháng 11/2017, một đôla Mỹ chỉ đổi được 50.000 bolivar trên thị trường chợ đen. Nhưng hiện tại, con số này đã lên quanh 650.000 - 800.000 bolivar. Dù Chính phủ thường xuyên tăng lương, mức tăng cũng chẳng theo kịp lạm phát. Giá cả thực phẩm tại đây vẫn lên vùn vụt.
Cách đây 10 năm, người công nhân này còn làm thêm nghề lái taxi, để tăng thu nhập. Dù khi đó, đồng lương ngành dầu của anh đã khá ổn. Vài năm gần đây, thu nhập của anh ngày càng phụ thuộc vào việc làm thêm này. Lái taxi còn giúp anh tự đặt giá theo lạm phát, không đứng yên như lương chính.
PVDSA từng là nguồn thu ngoại tệ chính của Chính phủ Venezuela. Khi dầu mỏ còn ở mức hơn 100 USD một thùng, lợi nhuận của công ty này là hàng tỷ USD. Còn giờ, PDVSA gần như không thể tồn tại, buộc phải nhập dầu thô nhẹ từ Mỹ để pha loãng dầu nặng được khai thác từ Venezuela.
Sản lượng dầu thô Venezuela đã giảm liên tục trong 25 tháng qua, theo số liệu của OPEC. Venezuela hiện chỉ sản xuất bằng nửa số dầu so với cuối thập niên 90.
“PDVSA sụp đổ vì thiếu đầu tư, bảo dưỡng nhiều năm. Giờ đây, cuộc khủng hoảng mỗi ngày một trầm trọng”, José Bodas - lãnh đạo công đoàn tại một cơ sở lọc dầu của PDVSA tại Puerto La Cruz cho biết, “Công suất ở đây là 187.000 thùng dầu một ngày, nhưng thực sự chỉ lọc khoảng 30.000 thùng một ngày thôi, ở nhà máy đầu tiên. Nhà máy thứ 2 thì không lọc, chỉ bán nguyên liệu thô”.
Những số liệu này cho thấy cuộc khủng hoảng của Venezuela đang nghiêm trọng đến mức nào. Phần lớn các giếng dầu quanh vùng Punta de Mata đều đang không hoạt động. Một bộ phận bị hỏng, nhưng không được thay thế, là cả giếng dầu bỏ không. Khi một giếng dầu khai thác xong, không có giếng mới được khoan thêm. Rồi khi một tai nạn xảy ra, khiến giếng phải đóng cửa, nó sẽ không bao giờ được mở lại nữa.
Nơi này thậm chí còn xảy ra tình trạng trộm cướp. Kẻ trộm bên ngoài lẻn vào ban đêm, lấy đi mọi thứ, từ điện thoại của công nhân đến máy đào và xe cộ.
Nhiều công nhân đã quá quen với việc này. “Họ có vũ khí đấy. Thấy gì là lấy cái đó. Chúng tôi không dám chống cự, vì họ đâu có đi vài ba người. Thường xuyên là 15 hoặc hơn”, người công nhân dầu mỏ lái taxi ở trên cho biết.
Với mức lương chẳng đủ sống và mối lo bị thương tích, nhiều công nhân luôn tự hỏi vì sao họ vẫn còn bám trụ. “Thứ duy nhất tôi cảm thấy tự nào vì là công nhân dầu mỏ là có bảo hiểm y tế. Thế thôi”, anh kết luận.
Hà Thu (theo CNN)