Ngày 4/11, công nhân Boeing tại các nhà máy ở Bờ Tây (Mỹ) chấp thuận hợp đồng lao động mới với hãng sản xuất máy bay. Việc này đã chấm dứt cuộc đình công kéo dài 7 tuần khiến hoạt động sản xuất máy bay đình trệ và cuộc khủng hoảng tài chính tại đây thêm trầm trọng.
Theo hợp đồng mới, người lao động sẽ được tăng lương 38% trong vòng 4 năm. "Đây là một chiến thắng. Chúng ta đã có thể ngẩng cao đầu. Giờ nhiệm vụ của chúng ta là quay lại công việc", Jon Holden - lãnh đạo IAM - công đoàn lớn nhất Boeing cho biết. Ông là người đứng đầu nhóm đàm phán của công nhân.
CEO Boeing Kelly Ortberg cũng tỏ ra vui mừng khi nghe thông tin này. "Vài tháng qua rất khó khăn với tất cả mọi người. Chúng ta vẫn là một đội và còn rất nhiều việc phải làm để giúp Boeing lấy lại sự xuất sắc như trước đây", ông nói. Boeing cũng hứa hẹn sẽ lắp ráp model máy bay tiếp theo tại khu vực Seattle.
Khoảng 33.000 công nhân Boeing đã đình công từ ngày 13/9. Nhóm này lắp ráp Boeing 737 MAX, 777 và 767 tại nhà máy ở Seattle và Portland. Họ không hài lòng với thỏa thuận chỉ tăng lương 25%, muốn tăng 40% như đề xuất ban đầu và khôi phục một khoản phụ cấp đã bị cắt từ 10 năm trước. Đây là cuộc đình công đầu tiên trong 16 năm qua của IAM tại Boeing.
Giới phân tích ước tính cuộc đình công khiến Boeing mất khoảng 100 triệu USD doanh thu mỗi ngày. Tuần trước, họ đã phải huy động 24 tỷ USD từ nhà đầu tư để giữ xếp hạng tín nhiệm.
Boeing giờ sẽ phải tăng tốc sản xuất và huy động thêm tài chính. Thời gian qua, có thời điểm Boeing chỉ được dự báo xuất xưởng vài chiếc 737 MAX mỗi tháng, thấp hơn rất nhiều mục tiêu 38 chiếc trước khi cuộc đình công diễn ra, nguồn tin của Reuters cho biết.
Hãng này đang quay cuồng trong loạt scandal, từ khủng hoảng an toàn bay, sản xuất chậm trễ đến khối nợ lên tới 60 tỷ USD. Cuối tháng 10, Boeing cho biết họ lỗ 6 tỷ USD trong quý III. Từ đầu năm, hãng này đã lỗ gần 8 tỷ USD.
Hà Thu (theo Reuters)