Từ một nền công nghiệp xe hơi sơ khai, Thái Lan nhanh chóng phát triển, là nơi đặt nhà máy của nhiều hãng xe lớn trên thế giới. Năm 2010, đất nước này sản xuất 1,6 triệu chiếc, xếp thứ 12 thế giới trong khi trước đó 10 năm vẫn đang ở vị trí 19. Góp mặt ở Thái Lan nhiều nhất vẫn là các liên doanh của Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan, Isuzu...
Để có thể tiến xa trong làng ôtô thế giới, Thái Lan đã có những bước đi vững chắc, quy củ để tham gia vào mạng lưới sản xuất ôtô Đông Á và thế giới. Quá trình gia nhập đi theo một trình tự 5 giai đoạn hợp lý từ đơn giản đến phức tạp.
Giai đoạn thứ nhất tập trung vào việc sửa chữa đơn thuần những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài CBU (Complete Build-up Unit).
Giai đoạn thứ hai chuyển sang lắp ráp thành phẩm từ những linh phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài CKD (Completely Knocked Down).
Giai đoạn thứ ba nền công nghiệp chuyển hướng sang sản xuất phụ tùng, tập trung vào những thiết bị gốc có giá trị gia tăng thấp.
Giai đoạn thứ tư vẫn tiếp tục nội địa hóa khâu sản xuất phụ tùng, nhưng đã chuyển sang sản xuất những thiết bị gốc có giá trị gia tăng cao.
Giai đoạn cuối cùng, tập trung vào hoạt động R&D ( phát triển và thiết kế sản phẩm), với mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp ô tô của khu vực.
Với những bước đi rõ ràng, Thái Lan có thể tập trung hợp lý và đầy đủ nhất nguồn lực cũng như lợi thế cho sự phát triển của từng giai đoạn. Tham gia vào mạng lưới sản xuất ôtô là một trong những thành công rất lớn của đất nước này.
Nếu như hiện nay ở Việt Nam các liên doanh chủ yếu lắp ráp theo dạng CKD, chỉ một số bộ phận đơn giản như nút bấm điều khiển, sơn xe là sản xuất ở Việt Nam. Trong khi đó, Toyota Motor tại Thái Lan chỉ nhập khẩu 5% linh kiện, còn lại đều tự sản xuất nội địa.
Để phát triển tốt, kịp thời phân phối nguồn linh phụ kiện cũng như thành phẩm, hệ thống nhà cung cấp tại Thái Lan đặt chủ yếu ở phía Tây Bangkok tạo nên một vùng sản xuất tập trung gọi là vành đai ôtô.
Không giống như Malaysia tập trung phát triển thương hiệu ôtô riêng Proton hay Perodua, nhưng đến nay xe nội địa đang dần mất chỗ đứng vì không cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Thái Lan chấp nhận trở thành công trường của thế giới vì xác định tạo thương hiệu riêng từ một nền công nghiệp ôtô non trẻ là điều không thể.
Nhìn về Việt Nam, nền công nghiệp ôtô Việt Nam cũng bắt đầu từ cuối những năm 1960 như Thái Lan với việc sửa chữa xe nhập khẩu từ Liên Xô (cũ), Trung Quốc và Đông Âu. Tuy nhiên, thực sự phát triển quy mô thì phải từ khoảng năm 1995, kinh tế mở cửa, nhà nước dần thành lập các nhà máy sản xuất xe cỡ nhỏ dạng CKD.
Từ những năm 1998, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận năm 1995, các công ty sản xuất ôtô lớn trên thế giới đặt chân vào Việt Nam như Isuzu, Toyota, Mitsubishi. Tuy nhiên việc luẩn quẩn trong vòng xoáy lắp ráp CKD rồi nhập khẩu nguyên chiếc CBU mà không phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nên Việt Nam vẫn chỉ đóng vai trò người gia công, giá trị gia tăng tạo ra là không đáng kể.
Đức Huy