Với mọi thứ xảy ra trong năm 2020, Covid-19 gần như phủ bóng lên tất cả. Ngành công nghiệp ôtô không phải ngoại lệ, thậm chí còn bị giáng đòn mạnh.
Cung ứng đình trệ, nhà máy đóng cửa
Chuỗi cung ứng toàn cầu phải hứng chịu những tác động đầu tiên, từ việc nhân viên nhiễm bệnh cho tới toàn bộ nhà máy phải dừng sản xuất. Những cơn sóng bắt đầu xuất hiện từ tháng 1, khi Toyota và Honda tạm dừng hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc. Đến đầu tháng 2, Hyundai đóng cửa ba nhà máy ở quê nhà do thiếu linh kiện cần thiết từ Trung Quốc.
Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới, đã trở thành nhà cung ứng quan trọng các linh phụ kiện ôtô. Trong đó, Vũ Hán, nguồn cơn của sự bùng phát dịch Covid-19, lại là trung tâm của ngành cung ứng. 25% linh kiện ôtô của Trung Quốc xuất khẩu năm 2017 là tới Mỹ, 10% đi Nhật, 5% cho Hàn Quốc và 5% đến Đức.
Sau đó đến lượt các đại lý đóng cửa và số lượng hàng dự trữ gần cạn kiệt. Ngay tại Trung Quốc, doanh số ôtô sụt giảm mạnh. Trong tháng Một, toàn thị trường chỉ bán được gần hai triệu xe, giảm 18% so với cùng kỳ 2019. Sang tháng 2, tình hình tồi tệ hơn, khi doanh số trong nửa đầu tháng giảm 92% do người dân chủ yếu ở nhà vì lo ngại dịch bệnh.
Trên thế giới, mỗi ngày lại có thêm những nạn nhân của Covid-19 trong ngành công nghiệp ôtô. Các hãng xe từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn đều phải đóng cửa nhà máy ở đâu đó, và tiếp diễn gần như đều đặn từ khi có những thông báo đầu tiên. Hậu quả là hàng chục nghìn nhân viên của các hãng phải nghỉ không lương.
Tại Việt Nam, Ford đóng cửa nhà máy ở Hải Dương tạm thời từ 26/3 và vài ngày sau, Toyota Việt Nam tạm ngưng sản xuất và đóng cửa toàn bộ 10 đại lý Toyota và một showroom xe sang Lexus tại Hà Nội. Sang đầu tháng 4, VinFast và Nissan thông báo tạm ngừng hoạt động nhà máy. Tổng cộng 7 hãng xe tại Việt Nam phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19.
Riêng với VinFast, sau khi tạm ngưng hoạt động, nhà máy cùng các bộ phận thuộc tập đoàn Vingroup nghiên cứu, sản xuất các loại máy thở (xâm nhập và không xâm nhập), máy đo thân nhiệt để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên thế giới, nhiều hãng ôtô cũng tham gia quá trình sản xuất thiết bị y tế nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.
Triển lãm ôtô bị hoãn - hủy
Không chỉ các hãng xe chao đảo trước Covid-19, một lĩnh vực liên quan tới ngành công nghiệp ôtô cũng nhiễm bệnh theo: các triển lãm. Cuối tháng 2, ban tổ chức triển lãm Geneva thông báo hủy sự kiện.
New York International Auto Show (NYIAS), một trong những triển lãm ôtô lớn nhất của Mỹ dời lịch tổ chức từ tháng 4 sang tháng 8 do lo ngại sự phát tán của dịch bệnh. Nhưng cuối cùng, NYIAS 2020 bị hủy và ban tổ chức cho biết sẽ tập trung vào sự kiện của 2021. Detroit Auto Show cũng đóng cửa, nơi tổ chức triển lãm được trưng dụng và cải tạo thành một bệnh viện dã chiến.
Một trong những triển lãm lớn của châu Á, triển lãm ôtô Bắc Kinh, Trung Quốc, vốn diễn ra vào cuối tháng 4 được thông báo tổ chức vào 26/9-5/10. May mắn, đây là một trong những sự kiện hiếm hoi của toàn ngành không bị hủy do dịch Covid-19. Đây còn là nơi phản ánh sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế quốc gia Đông Á, khi người dân đổ xô sắm xe hơi, trang sức.
Hoãn ra mắt mẫu xe mới, bán ôtô online
Geneva 2020 bị hủy khiến nhiều mẫu xe mới không thể trình làng như dự kiến. Trong đó có các sản phẩm như Mercedes E-class bản nâng cấp, BMW series 4 mới với lưới tản nhiệt hình quả thận "ngoại cỡ" gây tranh cãi.
Màn ra mắt của những Kia Sorento thế hệ mới, siêu xe Porsche 911 Turbo, Aston Martin Vantage Roadster mui trần, mẫu xe gầm cao phát triển dựa trên Yaris của Toyota cũng không thể diễn ra. Hàng chục sản phẩm khác của các hãng Fiat, Nissan, Honda, Ferrari... lùi ngày ra mắt khi Geneva Motor Show 2020, một trong năm triển lãm ôtô lớn nhất thế giới bị hủy.
Một phương thức mới trở nên phổ biến thời dịch bệnh, khi nhiều hãng xe quyết định ra mắt xe mới trực tuyến để người hâm mộ theo dõi tại nhà. Mercedes, BMW chuyển sang dùng nền tảng kỹ thuật số cho màn ra mắt các mẫu E-class, concept chạy điện i4.
Audi làm tương tự với A3 Sportback, SUV chạy điện E-Tron S vào 3/3, thời điểm Porsche cũng ra mắt 911 mới trực tuyến. Cùng thời điểm này, McLaren cũng phát trực tiếp sự kiện riêng của hãng. Sau đó một ngày (4/3), Aston Martin công bố những hình ảnh đầu tiên về mẫu xe mới của hãng bằng hình thức online.
Internet chính là công cụ hữu hiệu giúp các hãng bán xe cho khách hàng trong khi các lệnh phong tỏa và quy định giãn cách được ban bố khắp nơi. Bán ôtô online trở thành xu hướng mới của toàn ngành. Các hãng xe lần lượt ra mắt các nền tảng bán hàng trực tuyến, cho phép người tiêu dùng mua sắm mà không cần đến các đại lý.
Đồng loạt giảm giá xe để tăng doanh số
Tại Mỹ, trong khi nhiều đại lý phải đóng cửa, một số khác nỗ lực duy trì việc kinh doanh với những cách thức nhằm lôi kéo khách hàng trong thời kỳ khủng hoảng.
Xe cho thuê với giá rẻ hơn tới 30%, hoặc khách hàng mua xe được trả chậm trong nhiều tháng với lãi suất 0%. Với General Motors (GM) là lãi suất 0% cho 84 tháng, đồng thời hãng xe Mỹ cho phép hoãn trả kỳ đầu tiên cho bốn tháng.
Ford áp dụng chương trình Built to Lend a Hand, với 90 ngày của kỳ hạn thanh toán đầu tiên khách hàng có thể trả chậm, rồi ba tháng tiếp theo cho đến sáu tháng đều có thể chậm thanh toán, với mọi mẫu xe đời 2019 cũng như 2020, trừ dòng bán tải Super Duty. FCA, Hyundai, Genesis và Nissan đều có các chương trình tương tự dành cho khách hàng mua xe mới.
Tia sáng trong bóng tối
So với doanh số ôtô toàn thị trường trên toàn cầu vào năm 2019, sức mua của người dân thế giới giảm từ 74,9 triệu xe xuống còn 61,9 triệu trong 2020. Trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số năm 2020 được cho là có thể đạt mức 80 triệu.
Tuy nhiên, xu hướng nhìn chung đang tăng trở lại, khi con số dự kiến của 2021 là 68,1 triệu xe. Nhưng để đạt được mức cao như thời trước Covid-19, thị trường toàn cầu có thể phải đợi đến 2023.
Mỹ Anh