Những dự báo tiêu cực gần đây về Panasonic và Sharp đang dấy lên lo ngại về triển vọng ảm đạm của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Chỉ duy nhất Sony tuyên bố khoản lỗ nửa đầu năm sẽ giảm và cam kết đạt lợi nhuận sau 4 năm liền thất bát.
Thông báo của Sony được đưa ra sau khi Sharp tăng gấp đôi dự báo lỗ lên 5,6 tỷ USD và Panasonic dự đoán lỗ 9,6 tỷ USD trong năm tài chính 2012. Theo giới phân tích, việc này là do đồng yen tăng giá mạnh, cạnh tranh toàn cầu lớn, căng thẳng thương mại với Trung Quốc và kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp.
![]() |
Mảng TV của Sony ngày càng thua lỗ do cạnh tranh khốc liệt từ các hãng nước ngoài. Ảnh: AFP |
Trước đó, bộ ba trên cũng tuyên bố cắt giảm hàng chục nghìn lao động để tiết kiệm chi phí. Động thái này càng khiến họ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm và làm giá cổ phiếu lao dốc.
Trong quý III, cổ phiếu Sony từng rơi xuống dưới 1.000 yen (12,5 USD), lần đầu tiên kể từ năm 1980. Trong khi đó, Sharp phải thế chấp cả trụ sở cho ngân hàng để duy trì hoạt động. Còn Panasonic lại thông báo không trả cổ tức năm nay, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ. Mảng TV của ba hãng này cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan.
Sony kiên quyết không bỏ bộ phận sản xuất TV, bất chấp lợi nhuận thấp và giá ngày càng giảm. Hôm qua, Giám đốc tài chính của Sony - Masaru Kato còn cho biết họ vẫn dự đoán sẽ hòa vốn hoặc có lãi từ dòng TV Bravia trong năm tài chính tới.
Masahiko Hashimoto, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa (Tokyo) cho biết: "Các công ty điện tử của Nhật cần phải chọn lọc lại mảng kinh doanh, chỉ giữ lại cái có lãi và từ bỏ những mảng thua lỗ đi". Đến nay, họ vẫn chưa thể đuổi kịp các đối thủ bên ngoài, nhất là đại gia điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics với những bước tiến xa trong thị trường smartphone toàn cầu.
Ngoài ra, chi phí nhân công cao, đồng yen mạnh lại càng khiến hàng xuất khẩu của Nhật trở nên đắt đỏ và giảm nguồn thu gửi về nước ngoài. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thảm họa kép đầu năm ngoái và nhu cầu yếu từ châu Âu - thị trường chính cho hàng điện tử nước này cũng là những thách thức rất lớn.
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc do tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông cũng thổi bùng làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản từ hai tháng nay tại đây. Ông Kato cho biết: "Chúng tôi chỉ hy vọng việc này kết thúc càng sớm càng tốt".
Hà Thu (theo AFP)