![]() |
|
Những cỗ máy này hoạt động theo cơ chế đặt nhiều lớp vật liệu dạng bột chồng lên nhau để tạo ra một mô hình sống động cho hình ảnh kỹ thuật số.
Andy DeHart, kỹ sư của Công ty Z Copration tham gia dự án này, nói: Với hàng trăm và thậm chí hàng nghìn lớp bột như vậy, chúng tôi đã in thành công nhiều mẫu vật thể như một ly cà phê hay phụ tùng ôtô với kết cấu hình ảnh và màu sắc đa dạng. Chúng ta có thể nhập dữ liệu từ bất kỳ nguồn nào vào ổ cứng của máy in để xử lý, sau đó mới chuyển qua máy in 3 chiều.
Những tiến bộ trong nghiên cứu công nghệ in mới của Công ty Z Corporation đã được giới thiệu tại một triển lãm đồ họa vi tính gần đây tại Mỹ. Các sản phẩm thử nghiệm của họ đều sử dụng kỹ thuật in bột do Viện Công nghệ Massachusetts phát minh.
Máy in 3 chiều hoạt động bằng cách rải một lớp bột mỏng được định hình bằng chất lỏng phun ra từ đầu kim máy in phun bắt chước kiểu dáng của HP. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần, sử dụng keo hoặc các chất dính khác để tạo thêm nhiều lớp bột cho đến khi hoàn thành hình ảnh của vật thể. Bột sử dụng trong quá trình tạo lớp là thạch cao có pha trộn vật liệu gốm để tăng độ bền của hình ảnh.
Nhiều công ty lớn của thế giới như Sony, Adidas và BMW đang dùng công nghệ in 3 chiều để tạo mẫu sản phẩm mới vì phương pháp này nhanh và ít tốn kém hơn so với kỹ thuật in thông thường. DeHart cho rằng công nghệ này sẽ sớm xuất hiện tại một số cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ in sản phẩm mẫu 3 chiều và có thể cho phép sao chép lại hình ảnh qua máy photo thông thường.
Về mặt giá cả thì công nghệ in 3 chiều cũng không phải là đắt. DeHart cho biết những hệ thống máy in 3 chiều đầu tiên giá khoảng 30.000 USD và có thể sử dụng tất cả các dạng bột cũng như xử lý mọi dạng hình học.
Phan Khương (theo BBC)