![]() |
Bạn đọc tìm sách qua máy tính tại Thư viện Quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn |
Đáng chú ý nhất là iLib. Đây là giải pháp thư viện điện tử với các module tích hợp trong một hệ thống thống nhất. Theo ông Nguyễn Văn Xuân, chuyên viên của CMC, ngoài khả năng quản lý thư viện truyền thống, iLib bổ sung các tính năng thư viện điện tử, cho phép người sử dụng truy cập mọi dạng thông tin, dù là xuất bản phẩm, tài liệu điện tử hay âm thanh hình ảnh. iLib tương thích cả Internet, Extranet và Intranet, với khả năng xử lý tiếng Việt. Hệ thống này có tốc độ xử lý nhanh (dưới 3 giây đối với phép tìm kiếm phức tạp nhất) nhờ kết hợp các hệ điều hành Unix và Windows 2000.
Đến nay, có 23 thư viện trên toàn quốc dùng phần mềm iLib, 3 đơn vị sử dụng sản phẩm thư viện số Dlib và trên 80 cơ quan thông tin áp dụng giải pháp Smilib, trong đó có: Thư viện Quốc gia, Trung tâm thông tin Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, Đại học An Ninh, Ngoại thương, Đại học Vinh, Cần Thơ...
Tại Thư viện Quốc gia - đơn vị hoạt động nghiệp vụ thư viện lớn nhất nước với một khối lượng dữ liệu khá đồ sộ - giải pháp tổng thể thư viện điện tử của CMC đã được đưa vào thử nghiệm gần 2 năm, nhằm kết nối trung tâm thông tin này với thư viện tại 61 tỉnh, thành. Đến nay, thư viện đã ứng dụng phần mềm iLib trong một số khâu như cấp thẻ, quản lý thông tin bạn đọc và tra cứu trực tuyến.
Trước đây, cơ sở dữ liệu của thư viện hoạt động trên nền CDS/ISIS. Đây là phần mềm miễn phí do Liên Hợp Quốc cung cấp cho các nước đang phát triển. Theo các cán bộ phòng máy tính của thư viện, iLib có nhiều ưu điểm hơn so với CDS/ISIS, vì phần mềm cũ không có tính năng hỗ trợ mã vạch và không liên hoàn được các khâu nghiệp vụ. Mặc dù vậy, hệ thống mới vẫn cần được thử nghiệm thêm để kiểm tra các tính năng khác.
Thư viện Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng triển khai iLib từ năm 2002, khi CMC thực hiện dự án thiết lập mạng cục bộ tại trường này. Bà Phan Thị Loan, Thư viện trưởng của trường, cho biết phần mềm đang hoạt động tốt, tạo nhiều thuận lợi cho các cán bộ thư viện trong thao tác nghiệp vụ và giúp sinh viên tìm kiếm cũng như khai thác thông tin tốt hơn, phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu và học tập của 8.000 bạn đọc và giáo viên tại trường.
Mới đây, dự án thư viện điện tử trị giá khoảng 544.000 USD, do Bộ GD&ĐT đầu tư cho Đại học Sư phạm Quy Nhơn, sử dụng các phần mềm của CMC cũng đã hoàn tất. Qua đó, thư viện này có thể kết nối và chia sẻ thông tin với các thư viện trong nước và cung cấp thông tin theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Thư viện điện tử của trường hiện nay có thể phục vụ 5.000 lượt bạn đọc/ngày.
Phan Khương