Đây được xem là nỗ lực của Apple nhằm xoa dịu nhóm người dùng trẻ Trung Quốc và có vẻ đã thành công khi cuộc đối thoại thu hút ít nhất 250 triệu lượt xem chỉ riêng trên Weibo. Cuộc trò chuyện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang có dấu hiệu dịu bớt sau cuộc điện đàm vào tuần trước giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cameron Johnson, giảng viên tại Đại học New York Thượng Hải và là đối tác của công ty tư vấn Tidal Wave Solutions cho biết: "Apple đang tận dụng khoảng thời gian yên bình này không chỉ để tiếp thị mà còn sử dụng mạng xã hội Trung Quốc nhằm kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm Apple".
Thị trường Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng doanh thu của Apple. Trên thực tế, doanh thu quý IV/2020 của hãng lần đầu trong lịch sử đạt mức trên 100 tỷ USD nhờ tăng trưởng 57% tại thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, Đài Loan và Macau.
Trước đó, Apple từng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung dưới thời Tổng thống Donal Trump. Thời điểm Trump tìm cách cấm WeChat và TikTok tại Mỹ, truyền thông và các trang tin tức ở Trung Quốc tràn ngập các bài báo kêu gọi chính phủ cấm Apple để trả đũa. Vào năm 2019, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc đã giảm 1/5 trước khi phục hồi vào năm 2020 nhờ trình làng mẫu điện thoại 5G đầu tiên của hãng.
Tuy nhiên, cuộc nói chuyện giữa Cook và He không đề cập tới bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào, thay vào đó, nó diễn ra trong không khí thân thiện và đầy tiếng cười. Vlogger 22 tuổi bắt đầu bằng câu hỏi có đúng là Cook khởi đầu một ngày của mình bằng cách đi tập thể dục lúc 4h sáng hay không.
He cho biết kênh Bilibili của anh được biết đến nhiều qua các video về thiết bị điện tử và bày tỏ tình yêu với các sản phẩm của Apple. Đáp lại, Tim Cook nói Apple đã có rất nhiều cải tiến trong các sản phẩm của mình dựa trên phản hồi từ người tiêu dùng Trung Quốc. Trong số "rất nhiều cải tiến" mà Cook đề cập có máy quét mã QR, bàn phím tiếng Trung và chế độ chụp ảnh ban đêm.
Cook cũng ca ngợi tốc độ phủ sóng 5G của Trung Quốc và cách điện thoại thông minh đang được sử dụng để cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân. "Phần lớn cuộc sống ngày nay của chúng ta xoay quanh chiếc điện thoại thông minh và xu hướng đó không có nơi nào rõ ràng hơn ở Trung Quốc, từ ăn uống đến giao hàng, ngân hàng đến thanh toán hồ sơ sức khỏe. Mọi thứ đều có trên điện thoại", Cook nói.
Yu Bin, một blogger và là tổng biên tập của công ty truyền thông công nghệ Chaoqi cho biết: "Cuộc trò chuyện cho thấy Apple coi trọng thị trường Trung Quốc và người tiêu dùng trẻ như thế nào. Cook muốn sử dụng viêc này để có được danh tiếng và thị phần tốt hơn cho Apple".
Ngoài những nỗ lực thu hút nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi của Trung Quốc, Cook được cho cũng đang cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ nước này. Năm 2019, Cook được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban cố vấn tại Trường Kinh tế và Quản lý của Đại học Thanh Hoa, một câu lạc bộ gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu có quyền tiếp cận với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Cuộc trò chuyện giữa Cook và He cũng đánh dấu một bước chuyển lớn trong chiến lược quan hệ công chúng của Apple, vốn tồn tại từ thời Steve Jobs. Cố CEO Apple, Steve Jobs, từng thẳng thừng đuổi các nhà báo và blogger khỏi các sự kiện nếu họ đánh giá không tốt về Apple, phàn nàn về công ty. Dưới thời Tim Cook, Apple tiếp cận vấn đề cởi mở hơn sau những chỉ trích về MacBook Pro. Năm 2017, Apple bắt đầu cho phép các nhà báo đến và ghi âm một số cuộc thảo luận tại trụ sở chính ở Cupertino. Trong năm 2016 và 2020, Phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm của Apple, ông Craig Federighi, cũng đã có các cuộc phỏng vấn độc quyền với Marques Brownlee, vlogger công nghệ nổi tiếng nhất trên YouTube với 13,7 triệu người đăng ký.
Đăng Thiên (theo SCMP)