Tại hội thảo "Công nghệ xử lý chất thải" sáng 17/12 do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học nêu về thực trạng có nhiều công nghệ sản xuất trong nước chất lượng tương đương nhập ngoại nhưng thương mại hóa rất chậm.
GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường nêu, Viện đã chế tạo lò đốt chất thải rắn nguy hại không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC. Chất thải được đưa vào buồng sấy sơ cấp rồi mới đưa sang buồng đốt cháy và khí hóa. Buồng đốt luôn duy trì áp suất âm, không khí chỉ đi vào, không đi ra, thời gian lưu khí là hai giây. Công nghệ này sử dụng không khí để thúc đẩy quá trình cháy nên khoang sấy và khoang carbon hóa nên không cần phải dùng vật liệu chịu nhiệt và cách nhiệt, giảm chi phí đầu tư.
Ngoài ra, thể tích khoang đốt có thể điều chỉnh, thời gian lưu cháy lớn, xử lý triệt để chất thải. Hệ thống cũng không có béc đốt, chỉ cần quạt thổi không khí nên chi phí đầu tư giảm từ 75-90%. Giá thành của lò đốt này chỉ bằng 50%, hoặc thậm chí chỉ bằng một phần ba so với sản phẩm tương tự nhập khẩu.
Cùng với giá thành rẻ, làm chủ công nghệ sản xuất, vận hành và bảo dưỡng, Viện Công nghệ Môi trường cũng có các sản phẩm khác như lò đốt VHI-18B xử lý chất thải rắn y tế có công suất từ 50-100kg/mẻ. Lò đốt này tích hợp công nghệ đốt theo mẻ, áp dụng nguyên lý đốt đa vùng, xử lý hiệu quả khí thải. Sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Theo GS Tuyên, đây đều là những công nghệ có chất lượng tương đương hàng nhập ngoại, giá rẻ hơn và rất nhiều tiềm năng ứng dụng nhưng lại ít được sử dụng. Dù nhóm nghiên cứu nỗ lực nhưng chỉ triển khai lò đốt rác ở 50 bệnh viện. Con số này còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Ông lý giải, trước hết do các nhà khoa học không có kỹ năng để quảng bá sản phẩm. Doanh nghiệp chưa có thông tin về các sản phẩm khoa học, chưa kết nối với các nhà khoa học. Hiện nhiều dự án xử lý môi trường được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Các tổ chức này thường sử dụng công nghệ của chính nước họ để áp dụng.
Ngoài giá rẻ hơn nhập ngoại, các thiết bị chế tạo trong nước còn ưu thế hơn, làm chủ công nghệ, quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng sẽ thuận tiện. "Tôi có thể chỉ ra có một số công nghệ mua từ nước ngoài, hết thời hạn bảo hành là không hoạt động nữa", ông Tuyên nói. Trong khi, giá một công nghệ hàng chục tỷ đồng.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cũng giới thiệu phương pháp ủ compost từ rác thải sinh hoạt phân loại tự động quy mô nhà máy bằng vi sinh vật nhiệt độ cao; Bộ xúc tác xử lý khí thải gây độc hại và ô nhiễm môi trường; Xỉ phốt pho vàng Lào Cai là nguồn nguyên liệu giá trị cần khai thác trong quá trình sản xuất sạch và phát triển bền vững; Ứng dụng IoT cho hệ SCADA tích hợp thông minh hóa các hệ thống xử lý và quan trắc chất lượng nước...
Ông Tuyên kiến nghị "Cơ quản quản lý có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy phát triển các nghiên cứu".