Hình ảnh ông Jassim đứng ngoài đường pitch xem băng hình VAR ở phút 29 đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được triển khai tại Việt Nam. Do là trận đấu thuộc vòng loại thứ ba World Cup 2022, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) yêu cầu tất cả các sân vận động tổ chức đều phải áp dụng công nghệ VAR.
Theo ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, các thiết bị chuyên dụng hỗ trợ VAR được AFC chuyển đến từ nhiều ngày trước, chủ trì lắp đặt với sự phối hợp của Đài truyền hình Việt Nam.
VTV cho biết, AFC yêu cầu rất chi tiết và khắt khe về máy móc, vị trí đặt, đường truyền cho việc tổ chức trận đấu. Trong đó, hệ thống camera phải có ít nhất 12 máy và được đặt theo đúng sơ đồ để thuận tiện cho nhóm trọng tài VAR quan sát trận đấu từ phòng chuyên dụng.
Đài truyền hình Việt Nam đã bố trí 15 - 16 máy quay trong trận Việt Nam gặp Australia tối qua và dành 3 ngày để chuẩn bị (hơn một ngày so với các trận đấu thông thường). Trong phòng VAR trên sân Mỹ Đình, có ít nhất 7 màn hình cho tổ trọng tài VAR làm việc. Toàn bộ hệ thống cũng được nhóm kỹ thuật của AFC kiểm tra kỹ càng trước khi trận đấu diễn ra.
Năm 2018, khi lần đầu VAR được sử dụng tại một kỳ World Cup, mỗi sân vận động được bố trí 33 camera, trong đó có 14 camera ghi hình tốc độ chậm slow-motion và siêu chậm super slow-motion rải đều ở cả bốn cạnh sân để theo dõi trận đấu. Tại khu vực Đông Nam Á, mới chỉ có Thái Lan đang sử dụng VAR ở giải đấu trong nước trước đó.
Công nghệ VAR được sử dụng tối qua là trong tình huống cú sút của Hồng Duy đưa bóng chạm người cầu thủ đội khách đang đứng ngay rìa vòng cấm địa. Sau khi bóng ra biên dọc, trọng tài chính Jassim cho tạm dừng để nghe tư vấn từ tổ VAR. Nhiều người hâm mộ và một số chuyên gia như Trưởng Ban trọng tài VFF Dương Quang Hiền cho rằng tình huống này xứng đáng là một quả phạt đền cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau vài phút xem màn hình VAR, trọng tài quyết định không có penalty.
Ngoài VAR, công nghệ quảng cáo ảo cũng lần đầu được sử dụng trong một trận đấu bóng đá tại Việt Nam. AFC đặt tên công nghệ là Visual Goal Mass (VGM) và mang toàn bộ thiết bị hỗ trợ sang lắp đặt trên sân Mỹ Đình. VGM giúp bảng quảng cáo trong cùng một khung hình của sân vận động hiển thị hình ảnh, video khác nhau tùy vào quốc gia phát sóng trận đấu. Với trận Việt Nam - Australia, có bốn nguồn phát sóng khác nhau cho Việt Nam và quốc tế, cũng như hai quốc gia riêng với quảng cáo được đặt trước là Trung Quốc và Nhật Bản.