Trong loạt trận cuối cùng của bảng B, trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Iran diễn ra kịch tính và mang đậm dấu ấn của công nghệ VAR. Gần như mọi tình huống đáng chú ý nhất trong trận đều do công nghệ trọng tài video can thiệp.
Ở hiệp hai, VAR trực tiếp tham gia vào 3 tình huống, trong đó có tới hai quả penalty chia đều cho hai đội. Phút 50, sau pha phạm lỗi của hậu vệ Iran với Ronaldo, trọng tài mất tới một phút để quyết định sẽ xem lại VAR. Quả phạt đền cuối trận cho Iran cũng được quyết định qua VAR khi trọng tài xem được tình huống Cedric Soares để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Ronaldo lĩnh thẻ vàng sau khi trọng tài sử dụng công nghệ VAR. Ảnh: FIFA.
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý nhất lại diễn ra ở phút 83, Ronaldo dùng cùi chỏ đánh vào mặt Morteza Pouraliganji bên phía Iran. Cũng mất tới một phút sau, trọng tài mới quyết định xem lại tình huống. Dù có VAR hỗ trợ, ông vẫn mất nhiều thời gian để đánh giá pha phạm lỗi của Ronaldo. Nhiều người đã nghĩ tới tấm thẻ đỏ cho CR7 nhưng cuối cùng trọng tại lại rút thẻ vàng. Siêu sao người Bồ Đào Nha đã có những phút giây hồi hộp chờ đợi màu của tấm thẻ. Nếu không có công nghệ VAR, tình huống tiểu xảo của Ronaldo có lẽ đã không bị trọng tài phát hiện.
VAR từng nhiều lần gián tiếp tạo ra các bàn thắng mang tính quyết định ở vòng bảng World Cup 2018. Nhưng đây là lần đầu tiên nó đóng vai trò "đạo diễn" tạo ra sự kịch tính của trận đấu.
Ngoài ra, việc trọng tài mất nhiều thời gian để quyết định xem lại VAR cũng nhận nhiều chỉ trích. Sự phối hợp giữa tổ trọng tài ngồi trong phòng điều khiển với trọng tài chính trên sân được cho là chưa thực sự ăn ý. Quả phạt đền cho Bồ Đào Nha và tình huống phạm lỗi của Ronaldo đều diễn ra khá lâu trước khi được định xem lại.
VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referees - "Trợ lý trọng tài qua video", với vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. Công nghệ này đã được áp dụng tại một số giải đấu ở các quốc gia, nhưng là lần đầu tiên được đưa vào sự kiện lớn như World Cup.
"Bộ não" của hệ thống VAR là một phòng vận hành video tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga), nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài này.