Trong trận đấu cuối cùng của bảng D World Cup 2018, đội nào giành chiến thắng trong cặp đấu giữa Argentina và Nigeria sẽ có cơ hội đi tiếp vào vòng trong. Với Nigeria, thậm chí chỉ cần một trận hoà cũng đủ giúp cho đội bóng vượt qua vòng đấu bảng. Tuy nhiên, họ đã bị tước đi cơ hội này khi bị từ chối một quả phạt penalty gần cuối trận dù bóng đã chạm tay cầu thủ đối phương trong vòng cấm.
Sau trận thua trên của đội tuyển tới từ châu Phi, VAR tiếp tục trở thành tâm điểm đổ lỗi của các cổ động viên và nhận được nhiều phàn nàn. Như phản ứng từ trận đấu giữa Morroco và Tây Ban Nha trước đó một ngày, công nghệ mới mẻ của FIFA bị chê là "rác rưởi", "đồ bỏ đi". Không ít ý kiến cho rằng VAR là công nghệ chỉ dành cho các đội bóng lớn và bỏ qua những đội bóng tới từ châu Á và châu Phi.
Dù vậy theo Văn Thoả, một phóng viên thể thao đang theo dõi World Cup 2018, khác với trận đấu giữa Morocco và Tây Ban Nha trước đó, công nghệ VAR trong trận đấu ngày hôm qua đã bị đổ lỗi nhầm và nó không phải là nguyên nhân gây bất lợi cho Nigeria. Thực chất, VAR còn hoạt động tốt và đã phát huy tác dụng khi chiếu lại rõ ràng tình huống bóng đã chạm tay của hậu vệ Argentina trong vòng cấm, nhưng cuối cùng trọng tài vẫn quyết định không thổi phạt penalty cho Nigeria. Trước đó, công nghệ của FIFA cũng giúp cho trọng tài bắt lỗi và đem đến cho đội tuyển châu Phi một quả phạt 11 mét.
Khác với trận đấu của Nigeria và Argentina vừa xong, trong trận đấu trước đó giữa Tây Ban Nha và Morocco, hệ thống VAR được cho đã bỏ sót và không thông báo ba tình huống phạm lỗi, nhận định sai tới trọng tài chính đang điều khiển trên sân.
Trên website của mình, FIFA giải thích VAR chỉ hỗ trợ trọng tài chứ không có quyền quyết định các tình huống. Trọng tài chính trên sân vẫn là người đưa ra phán quyết cuối cùng trong trận đấu. Thông qua hệ thống 33 camera được rải khắp sân vận động trong mỗi trận đấu, toàn bộ tình huống diễn trên sân cỏ giữa hai đội sẽ được truyền hình trực tiếp về một phòng riêng đặt tại Moskva. Tại đây, tổ trọng tài tư vấn tư xa có thể theo dõi trận đấu trực tiếp và thông báo tới tai nghe của trọng tài chính trên sân cỏ, nhằm tránh bỏ sót lỗi nghiêm trọng hay nhận định một số tình huống sai lầm dẫn đến bàn thắng.
Công nghệ VAR hoạt động như thế nào:
Giải đấu năm nay tại Nga cũng là kỳ World Cup được FIFA áp dụng nhiều công nghệ nhất trong lịch sử. Ngoài VAR lần đầu xuất hiện, toàn bộ trận đấu còn sử dụng công nghệ Goal-line. Nhưng khác với VAR, Goal-line lại có thể đưa ra được quyết định dẫn tới bàn thắng. Công nghệ sử dụng hệ thống camera và cảm biến để theo dõi liệu toàn bộ quả bóng đã qua hết vạch vôi khung thành hay chưa, từ đó giúp công nhận bàn thắng hợp lệ.
Công nghệ xác định bàn thắng Goal-line: