![]() |
Ảnh: ucollege. |
Hai năm. Bà ấy nằm đó. Cô đơn. Lạnh lẽo. Không ai biết. Chẳng ai nhớ. Điều này có thể xảy ra ở một thành phố tới 7 triệu người sao?, một blogger băn khoăn.
Công nghệ liên lạc tiên tiến giúp người ta có thể biết rõ về nhau chỉ nhờ một cuộc điện thoại hoặc vài cú click chuột. Bởi thế, việc con số thống kê về những người chết trong cô độc đang tăng lên tại các nước như Anh và Nhật những năm gần đây nghe có vẻ phi lý. Thế nhưng, nỗi cô đơn, hay như nhà làm phim người Italia Michaelangelo Antonioni gọi là căn bệnh tinh thần của xã hội, đã trở nên vô phương cứu chữa dù có sự trợ giúp đắc lực của e-mail, điện thoại di động và Internet. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng sợi dây gắn kết xã hội đang bị đứt đoạn chính vì sự tác động công nghệ, chứ không phải là mặc dù đã có công nghệ hỗ trợ.
Một thập niên trước, khi người dân Bắc Mỹ bắt đầu làm quen với Internet, các hãng Apple, AT&T, Hewlett Packard và Intel đã cùng đầu tư cho một dự án nghiên cứu về những ảnh hưởng tâm lý và xã hội của việc sử dụng Internet. Tuy đa số mọi người đến với mạng kết nối vì mục đích xã hội, kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ họ đóng góp vào các hoạt động xã hội giảm đáng kể còn các triệu chứng suy nhược và cô đơn lại tăng cao.
Ngày nay, những tạp chí nổi tiếng của Mỹ như Fortune và Business Week đang tán tụng các dịch vụ tương tác xã hội như MySpace và YouTube, nhưng bản thân người sử dụng lại ngại tham gia các câu lạc bộ, trò chuyện và gặp gỡ bạn bè ở ngoài đời thực.
Nhiều cuộc khảo sát trên toàn thế giới đã thu về một kết luận giống nhau là phạm vi mối quan hệ của con người đang bị thu hẹp. Theo nghiên cứu được công bố hồi tháng 6/2006 của Đại học Duke, trung bình mỗi người Mỹ chỉ tin tưởng hai người, còn công ty SwissCom cho hay 80% các cuộc trò chuyện qua điện thoại di động của khách hàng được thực hiện quanh đi quẩn lại chỉ với khoảng 4 người. Tuy ít dành thời gian cho gia đình và bạn bè hơn truớc, người sử dụng vẫn cố gắng duy trì liên lạc thường xuyên với họ qua điện thoại và e-mail.
E-mail và thiết bị di động chỉ là hai yếu tố nhỏ trong hàng loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cô đơn ngày một tăng trong xã hội. Điều mà những công cụ này đã làm được là thay đổi cách con người giao tiếp với nhau. Chúng hỗ trợ ta trò chuyện thoải mái với người thân dù xa cách nhau, nhưng chúng cũng làm giảm đi cái ham muốn, sự mong mỏi cần gặp trực tiếp ai đó.
Tại sao ta phải gặp nhau khi ta có e-mail? Webcam, video trực tuyến tạo cảm giác người kia như đang ở ngay bên ta, Laura Pappano, tác giả cuốn The Connection Gap (Khoảng trống kết nối), viết. Nhưng khi tiếp xúc với một phụ nữ thường chat với bạn bè để thoát khỏi nỗi cô quạnh, Pappano nhận thấy trong suy nghĩ của mọi người, bà chỉ tồn tại như một nickname trên màn hình máy tính. Họ thường xuyên hỏi thăm bà nhưng không ai tới chơi cùng bà. Và họ không bao giờ cảm nhận được nỗi đau trong ánh mắt và giọng nói khi bà nói chuyện với họ.
Trong thế giới hiện đại, những nhân vật như người phụ nữ chết trong cô đơn nói ở đầu bài rất dễ bị bỏ rơi. Bà này đã rải quanh phòng những món quà giáng sinh chưa từng được mở và trút hơi thở cuối cùng trong tiếng TV - thiết bị nhắc bà rằng dù sao bà vẫn đang duy trì kết nối với một xã hội từ lâu đã quên mất sự tồn tại của bà.
Hải Nguyên (theo Adbusters)