Những kẻ khủng bố, trong đó có Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã sử dụng Facebook, Twitter và nhiều mạng xã hội làm kênh truyền tin tức, quảng bá hình ảnh. Nhờ công nghệ thông tin mà các đoạn trao đổi được mã hóa trong quá trình truyền.
Điều này được ví như "bóng đen bao trùm", trở thành mối quan tâm đáng báo động cho cảnh sát và các cơ quan chống khủng bố trên toàn thế giới. Họ đang đứng trước nỗi lo không thể ngăn chặn các cuộc khủng bố tiếp theo, như IS từng làm 130 người thiệt mạng trong vụ tấn công Paris (Pháp) tháng 11 vừa qua.
"Rõ ràng khủng bố đã hiểu về các phương pháp truyền thông trước đây và cách chúng tôi ngăn chặn. Bây giờ, chúng tìm những phương thức khác để giao tiếp, nhằm tránh sự kiểm soát", Giám đốc Trung tâm chống khủng bố Mỹ, ông Nicholas Rasmussen cho biết.
Công nghệ nào được IS sử dụng?
IS có những nhóm chiến binh công nghệ cao gồm 5, 6 thành viên, làm việc liên tục 24 giờ để mã hóa liên lạc giữa các phần tử khủng bố. Mục đích của chúng là che giấu thông tin cá nhân và vượt qua kiểm soát của các cơ quan chức năng khi sử dụng mạng xã hội.
Gần đây, IS đang chuyển sang ứng dụng Telegram bởi nó bảo mật thông tin tốt hơn. Hãng phát triển nói rằng phần mềm có hai lớp mã hóa và "nhanh hơn, an toàn hơn" so với đối thủ WhatsApp, chương trình nhắn tin OTT thuộc sở hữu của Facebook.
Tuần trước, Telegram cho biết đã chặn 164 kênh liên quan đến IS, trên 12 ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc làm này chỉ chặn các kênh cộng đồng, còn việc truyền thông trên Telegram vẫn được bảo vệ. Người dùng có thể yên tâm nhắn tin, gửi hình ảnh hay các tập tin cho bạn bè mà dữ liệu được bảo mật. Bạn cũng có thể tạo các cuộc trò chuyện nhóm lên đến 200 thành viên hoặc lựa chọn "trò chuyện đặc biệt bí mật", lúc này mọi thông điệp trao đổi sẽ tự động hủy.
Chính phủ đang làm gì?
Giám đốc FBI James Comey đã nhiều lần nói rằng, việc sử dụng các phương thức truyền thông của IS đang đánh chặn truyền thống ở phương Tây. Các lệnh thực thi của tòa án là "không hiệu quả với các thiết bị được mã hóa", Comey nhấn mạnh điều này trong một tuyên bố tuần trước.
Tại Mỹ, ít nhất 52 người bị buộc tội liên quan đến khủng bố và hỗ trợ Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên vấn đề này như mò kim đáy bể, Matthew Green, giảng viên mật mã và bảo mật máy tính tại Đại học Johns Hopkins cho biết. "Không ai có đủ khả năng đọc từng email, có quá nhiều thông tin trao đổi để có thể tìm hiểu toàn bộ, ngay cả khi nó không được mã hóa".
Chính phủ muốn can thiệp vào vấn đề giải mã thông tin, điều này lại đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư. Thông tin có thể giải mã khiến người dùng mất đi bí mật khi trao đổi qua email, những kế hoạch kinh doanh hay hoạt động trong ngành ngân hàng...
Tổ chức phi chính phủ vào cuộc
Hai nhóm đang hoạt động tích cực trong việc chống lại IS là Anonymous và Ghost Security. Nhóm hacker khét tiếng nhất thế giới tuyên bố đã "xóa sổ" hàng loạt tài khoản Twitter của Nhà nước Hồi giáo.
Trong khi đó, Ghost Security tập hợp một số thành viên từ Anonymous, có người đứng đầu với biệt danh DigitaShadow. Người này nói rằng kể từ khi được thành lập, Ghost Security đã hạ 149 trang web tuyên truyền, 110.000 tài khoản mạng xã hội và hơn 6.000 video tuyên truyền của IS. Sau vụ tấn công Paris gần đây, nhóm cho biết đang "lần theo dấu vết" những kẻ khủng bố, song thông tin chưa được xác nhận.
"Đội An ninh ma" tuyên bố phát triển phần mềm tự động nhận dang các tài khoản của IS trên mạng. DigitaShadow nói rằng nhóm cũng thâm nhập để tìm hiểu thông tin về các thành viên IS, xác định địa chỉ IP, từ đó truy tìm vị trí các phần tử khủng bố. Ghost Security tập trung vào IS nhưng họ cũng nhắm đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác.