Theo một đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) độc lập do Adidas ủy quyền thực hiện vào năm nay, công nghệ nhuộm không dùng nước của DyeCoo được vận hành bởi nhà máy của CleanDye tại Việt Nam giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.
LCA được thực hiện bởi Sphera, một công ty tư vấn bên thứ ba với nhiều thành tích trong việc lập các báo cáo phát triển bền vững cho nhiều ngành khác nhau. Sphera đã so sánh quy trình nhuộm không dùng nước của CleanDye và DyeCoo với ba nhà cung cấp vải truyền thống của Adidas. Đơn vị kết luận CleanDye và DyeCoo giảm 58% lượng khí thải carbon so với công nghệ nhuộm vải thông thường.

Nhà máy của CleanDye tại TP HCM sử dụng công nghệ CO2 siêu tới hạn trong quy trình nhuộm vải và sợi cho khách hàng toàn cầu. Ảnh: CleanDye
Báo cáo này cho thấy sự quan tâm tới công nghệ của DyeCoo ngày càng tăng từ các công ty trên toàn thế giới, bao gồm những nhà sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Trung Mỹ cũng như các thương hiệu và nhà bán lẻ quốc tế lớn đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon của họ trong những năm tới.
DyeCoo đã nhận được phản hồi tích cực tại ITMA - triển lãm công nghệ dệt may quốc tế lớn nhất thế giới, diễn ra tại Italy vào tháng 6. Tại buổi triển lãm, DyeCoo giới thiệu một loạt giải pháp nhuộm CO2 mới, bao gồm máy nhuộm CO2 chạy bằng điện với kích thước nhỏ gọn, phù hợp để lấy mẫu và sản xuất quy mô nhỏ, cũng như hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến phục vụ mục đích nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ông Kasper Nossent, Giám đốc thương mại của DyeCoo cho biết kết quả của báo cáo này và việc phương thức nhuộm CO2 trở thành một động lực trong ngành sản xuất dệt may. "Chúng tôi hy vọng công nghệ của mình có thể tiếp cận đến các nhà máy khác trên khắp thế giới, ngoài phạm vi khách hàng hiện tại, thông qua việc hợp tác với các đối tác thương hiệu", ông nói.
Bên cạnh những tác động không nhỏ đến phát triển bền vững, công nghệ nhuộm CO2 của DyeCoo còn cung cấp các gam màu và tính nhất quán cao giữa các lô hàng trong sản xuất số lượng lớn mà không ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí.
Ông Simon Weston, Giám đốc điều hành của CleanDye, cho biết kết quả của LCA cũng chứng minh nhà máy tại TP HCM đã cung cấp các sản phẩm vải bền vững, chất lượng cao với giá cả cạnh tranh nhờ công nghệ của DyeCoo.
CleanDye đã sản xuất vải cho các thương hiệu như Decathlon, Tom Tailor, s.Oliver, Marco Polo và Bonprix, đồng thời đang thảo luận với nhiều thương hiệu quần áo và giày dép toàn cầu khác về việc tích hợp DyeCoo và CleanDye vào chuỗi cung ứng của họ.
Ông Weston chia sẻ sau khi phân tích LCA, CleanDye đã tiến hành cải tiến bổ sung quy trình và tin rằng lượng khí thải carbon từ hoạt động của mình còn có thể thấp hơn so với số liệu ấn tượng ban đầu từ LCA.

Công nghệ nhuộm CO2 của DyeCoo còn cung cấp các gam màu và tính nhất quán cao giữa các lô hàng trong sản xuất số lượng lớn mà không ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí. Ảnh: DyeCoo
Ông Kenneth Katz, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch TAU Investment Management khu vực châu Á, cổ đông lớn của DyeCoo và CleanDye, cho biết Việt Nam có nền tảng để dẫn đầu về công nghệ ngành thời trang bền vững. Công nghệ nhuộm CO2 đã góp phần đáng kể vào việc giảm ô nhiễm nước trong quá trình sản xuất dệt may.
Sự đổi mới như vậy có ý nghĩa quan trọng bởi 20% nước thải công nghiệp có nguồn gốc từ ngành dệt nhuộm. Đặc biệt, báo cáo này là minh chứng cho sự nỗ lực của Việt Nam đối với sản xuất bền vững, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
"Chúng tôi mong muốn nhân rộng tác động của công nghệ này hơn trong ngành thời trang bền vững", ông Katz nói.
Năm 2019, CleanDye khai trương nhà máy đầu tiên trên thế giới chuyên sử dụng công nghệ nhuộm vải 100% không dùng nước và không hóa chất. Nhà máy của CleanDye tại TP HCM sử dụng công nghệ CO2 siêu tới hạn trong quy trình nhuộm vải và sợi cho khách hàng toàn cầu. Hoạt động này giúp nhà máy trở nên an toàn, sạch và tiết kiệm năng lượng. CleanDye có đội ngũ nhân viên kỳ cựu trong ngành trên khắp thế giới và có văn phòng đặt tại Việt Nam, Hong Kong và Hà Lan.
Công ty DyeCoo Textile Systems B.V. tại Hà Lan đã thành công phát triển và thương mại hóa công nghệ nhuộm sợi và vải CO2 siêu tới hạn, đồng thời cung cấp các giải pháp nhuộm CO2 từ quy mô phòng thí nghiệm đến sản xuất số lượng lớn. Công nghệ nhuộm CO2 siêu tới hạn của DyeCoo loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nước và hóa chất trong quy trình nhuộm polyester, cũng như giảm lượng khí thải carbon và lượng nước tiêu thụ. Công nghệ này đã được ứng dụng vào chuỗi cung ứng dệt may của các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo, giày dép trên toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ôtô.
(Nguồn: CleanDye)