![]() |
Bị can Trần Nghĩa Vinh. (Tuổi Trẻ) |
Hiện, hồ sơ vụ án cùng cáo trạng đã được chuyển sang Toà án nhân dân Hà Nội. Một nữ thẩm phán nhiều kinh nghiệm được giao thụ lý vụ này. Dự kiến, tháng 3 vụ án sẽ đưa ra xét xử.
Theo kết quả xác minh, ngày 9/10/2002, Công ty TNHH Sông Tiền bán 2 lô hàng tôm biển cho Công ty Pizoler AG (Thuỵ Sĩ) từ TP HCM vận chuyển sang Đức. Trên đường đi, một lô hàng gần 16 tấn bị cháy. Sự việc xảy sáng 11/11/2002.
Biết tin, vài giờ sau, Phan Hồng Thu (giám đốc Công ty Việt Thái Phong) nhờ một nhân viên của Công ty Sông Tiền mang 2 bộ hồ sơ liên quan việc xuất khẩu lô hàng tới chi nhánh Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) tại TP HCM để làm thủ tục mua bảo hiểm. Người tiếp nhận và hoàn tất thủ tục cho họ là Nguyễn Thị Bích Hợp (nhân viên phòng bảo hiểm hàng hải). Theo đó, chấp nhận Công ty Sông Tiền đứng tên mua nhưng đơn vị được nhận bảo hiểm lại là Việt Thái Phong. Ngày 26/11/2002, nữ giám đốc này ký công văn gửi PJICO TP HCM đề nghị được trả tiền bảo hiểm cho lô hàng bị tổn thất, gần 250.000 USD.
Quá trình điều tra xác định, Việt Thái Phong đã làm giả các tài liệu để chứng minh họ có đủ tư cách mua, thụ hưởng bảo hiểm và giá trị hàng được bảo hiểm. Thứ nhất, doanh nghiệp này đã giả mạo hoá đơn mua gần 16 tấn tôm của Công ty Sông Tiền, để rồi mượn danh của Sông Tiền bán lô hàng cho Pizoler AG, giá trị hơn 220.000 USD. Thứ hai, là sử dụng giấy uỷ quyền không có giá trị pháp lý đề ngày 28/11/2002 về việc Công ty Sông Tiền cho Việt Thái Phong được toàn quyền quyết định để giải quyết mọi vấn đề liên quan lô hàng xuất bán gần 16 tấn tôm và được hưởng mọi quyền lợi phát sinh từ đây.
Vụ việc sau đó PJICO TP HCM chuyển sang công ty mẹ ở Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền. Vũ Dương Quý (Phòng giám định bồi thường) trực tiếp nhận hồ sơ, giải quyết bồi thường. Đầu tháng 2/2003, Tổng giám đốc PJICO Trần Nghĩa Vinh và Phó tổng giám đốc Hồ Mạnh Quân nhận định: "Vụ này có nhiều dấu hiệu trục lợi bảo hiểm". Họ biết rõ đơn bảo hiểm ngày 11/11/2002 mà PJICO TP HCM cấp cho cho Việt Thái Phong là vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bởi bên mua không có quyền lợi có thể được bảo hiểm và có hành vi gian dối khi giao kết hợp đồng.
Tuy vậy, Phan Hồng Thu vẫn chưa từ bỏ ý định. Tháng 9/2004, bà từ TP HCM ra Hà Nội gặp lãnh đạo PJICO và những người trực tiếp giải quyết... Sau nhiều lần "đàm phán", tháng 2/2005, nữ giám đốc của Việt Thái Phong đồng ý chi 1,9 tỷ đồng cho ông Vinh và Quân nếu được nhận 3,8 tỷ đồng bảo hiểm. Lúc này, sự việc lập tức chuyển sang thái cực khác. Ngày 24/2/2005, trong hồ sơ bảo hiểm không có tình tiết, chứng từ mới nào về việc PJICO có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm cho Việt Thái Phong, nhưng Vũ Dương Quý (mới được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giám định bồi thường) và Ngô Hồng Khoa (phó phòng) đã trình và đề xuất trả tiền bảo hiểm cho Việt Thái Phong. Với sự hợp tác đó, Tổng giám đốc Vinh chỉ đạo giải quyết bồi thường.
Kết thúc phi vụ này, khoản 1,9 tỷ đồng nhận của Thu được Vinh chia cho Quân 600 triệu đồng; Khoa, Quý mỗi người 30-50 triệu đồng. Riêng Vinh hưởng 1,1 tỷ đồng. Còn có 2 cán bộ khác liên quan vụ việc được chia 30-50 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định, sai phạm của họ chưa đến mức xử lý hình sự nên chỉ bị xử lý hành chính.
Vì lẽ đó, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ra cáo trạng truy tố Phan Hồng Thu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ; bị can Trần Nghĩa Vinh và Hồ Mạnh Quân tội nhận hối lộ; Nguyễn Bích Hợp hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị can Vũ Dương Quý và Ngô Hồng Khoa bị truy tố cùng tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Anh Thư