SED (viết tắt của surface conduction electron emitter display) được coi như một dấu mốc lớn của ngành công nghiệp màn hình trong chặng đường 50 năm qua, với tầm ảnh hưởng tương tự như sự ra đời của màn hình ống đèn cathode (CRT) trước đây. Màn hình SED có ưu điểm là hình ảnh sáng sủa và sống động nhờ sử dụng công nghệ chùm sáng giống như màn CRT, trong khi lại mỏng hơn và lại tiêu thụ ít điện năng so với LCD và plasma.
Một mẫu TV SED của Toshiba. (Engadget) |
Năm 2004, hai công ty hăng hái nhất trong việc đầu tư vào công nghệ SED là Toshiba và Canon đã phối hợp mở một liên doanh phát triển loại màn hình mới. Giữa tuần qua, liên doanh này tuyên bố giai đoạn đầu tiên chế tạo đại trà sản phẩm sẽ bắt đầu tháng 7/2007. Toshiba và Canon tuyên bố những thương phẩm màn phẳng đầu tiên dùng kỹ thuật SED sẽ xuất hiện trên thị trường vào quý cuối năm 2007.
Trong khi đó, các nhà phân tích lại cho rằng xu hướng giảm giá liên tục của TV màn hình phẳng nói chung và sản lượng gia tăng không ngừng của các sản phẩm LCD và plasma có thể sẽ thu hẹp cơ hội thành công của TV SED trên thị trường.
Theo hãng nghiên cứu DisplaySearch, thị trường TV LCD và plasma toàn cầu tăng trưởng 73% năm 2005, đạt giá trị 40,5 tỷ USD, chủ yếu là nhờ xu hướng người tiêu dùng đổi màn hình CRT sang mua TV phẳng. Những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về thị phần chế tạo TV LCD và plasma chủ yếu là các công ty như Sony, Sharp và Matsushita Electric Industrial (với thương hiệu Panasonic).
Trong bối cảnh các hãng điện tử Nhật Bản đang phải chịu sự cạnh tranh ghê gớm từ những đối thủ khác ở châu Á vài năm trở lại đây, sự phát triển của công nghệ màn hình mỏng SED thực sự đem đến cho họ một cơ hội mới với nhiều tiềm năng khai thác.
TV SED sử dụng màn hình phát xạ điện tử dẫn bề mặt (surface conduction electron emitte display). Tương tự như công nghệ CRT, hình ảnh được TV SED tạo ra cũng do các điện tử đập vào mặt trong của màn hình phủ phốt-pho và phát sáng. Nhưng thay vì sử dụng 3 ống phóng tia điện tử, công nghệ SED dùng một chuỗi gồm hàng trăm nghìn bộ phát xạ electron rất nhỏ - mỗi cái tương ứng với một điểm ảnh trên màn hình. Trong khi cấu trúc của TV CRT yêu cầu các hạt điện tử phải được bắn ra theo luồng từ rất xa, thì các bộ phát xạ điện tử của SED có thể được bố trí ngay tấm panel phía sau, sát với màn hình phủ phốt-pho, cho phép TV mảnh mai hơn rất nhiều. (Nguồn: Sohoa.net) |
P.K. (theo The Age)