Tại số thứ 7 của tọa đàm UniPrep với chủ đề "Giải mã tài chính 4.0", PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, UEH và ông Thomas Hưng Trần - Trưởng phòng cấp cao, Công ty tư vấn PwC Việt Nam đưa ra nhiều nhận định về ngành tài chính trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Độc giả xem chương trình tại đây. |
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, cách mạng 4.0 tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có tài chính, với trụ cột là Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). "Chúng ta đang ở điểm rơi của tài chính 4.0 khi trải nghiệm công nghệ, người dùng, kiến thức và hầu như tất cả doanh nghiệp đều ý thức được đây là cơ hội để có thể vươn lên rút ngắn khoảng cách so với đối thủ", ông khẳng định.
Ông Thomas Hưng bổ sung, với ứng dụng công nghệ, con người không cần phải tự phân tích. Việc đưa các nền tảng ảo vào ngành tài chính đã tạo ra các phương thức giao dịch mới có lợi cho người sử dụng, thị trường và sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, mọi hoạt động tài chính đều có thể kết nối với nhau.
"Việc sử dụng điện thoại có ví ảo, kết nối điện toán đám mây giúp ngân hàng đánh giá điểm tín dụng của người dùng. Đó là xóa mờ ranh giới thật - ảo dẫn tới những tiện ích mà tài chính cũ không đáp ứng được", ông đưa ra ví dụ.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, hai diễn giả khuyên người trẻ nên trang bị tư duy, phương pháp làm việc và thái độ tích cực để chấp nhận, thích nghi và luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp.
Trưởng phòng cấp cao Công ty tư vấn PwC Việt Nam cho biết thêm, AI sẽ sớm thay thế con người trong việc phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, công nghệ không thay thế trí tuệ con người và chỉ có thể đảm nhận những kỹ năng ít cần chất xám.
Do đó, sinh viên học ngành tài chính cần có kỹ năng phân tích dữ liệu và biến dữ liệu thành thông tin, từ đó, đưa ra lời khuyên, chiến lược có lợi cho doanh nghiệp. Thứ hai, các bạn cần có kỹ năng kết nối giữa người với người. Sau đại dịch, cùng sự phát triển của công nghệ, điều duy nhất dần mất đi là giao dịch giữa người với người.
"Thực tế, các thương vụ, vấn đề trong kinh doanh đều được giải quyết bởi cái bắt tay giữa hai con người với nhau, chứ không phải giữa hai con robot hay hai cái máy tính", ông nhấn mạnh.
Như vậy, người làm tài chính cần tạo được thiện cảm, hiểu được lo lắng lợi ích của đối phương, tích lũy kỹ năng giao tiếp để có thể thương thuyết thành công.
Phân tích trên khía cạnh tâm lý người trẻ, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khuyên sinh viên không nên sợ hãi trước bối cảnh "tài chính 4.0" bởi nó không thể thay thế hoàn toàn, mà chỉ tạo ra phương tiện để tài chính truyền thống hiệu quả hơn, nâng cao trải nghiệm người dùng.
"Muốn hiểu và sống được với tài chính 4.0, các bạn cần học giỏi và am hiểu cơ bản về tài chính. Không phải chỉ cần thành thạo công nghệ, linh hoạt với máy móc là có thể xa với nghề", ông nói thêm.
Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế - UEH nhận định, kỹ năng tương tác giữa người và máy cũng rất quan trọng. AI có thể báo cáo tài chính nhanh. Tuy nhiên, con người mới có thể dạy AI nhập số hay xác định chỉ số tài chính như thế nào là tốt hay xấu...
Bên cạnh kiến thức, kỹ năng, các diễn giả cho rằng người trẻ cần nắm bắt bức tranh toàn cảnh ngành tài chính hiện tại để chọn ngành, nghề phù hợp hơn. Ngành tài chính đã mở rộng hơn rất nhiều so với nhiệm vụ giám sát, quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp như trước đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, tài chính có sự giao thoa với những ngành nghề khác, hoàn toàn độc lập với kế toán và hướng đến những công việc khác nhau. "Nếu không thích tính toán, chúng ta có hàng trăm công việc khác, cơ hội để bạn có thể làm việc với những ngành nghề khác có sự lan tỏa thông tin", ông chia sẻ.
Ông Thomas Hưng cũng khẳng định, tài chính là một ngành phổ rộng. Sinh viên cần có tư duy mở, trải nghiệm nhiều hơn để có động lực theo đuổi nghề lâu dài, tăng sự hiểu biết. Theo đó, cuối chương trình, các diễn giả khuyên người trẻ nên học đa ngành, liên ngành để củng cố kiến thức, mở rộng cơ hội sự nghiệp.
"Đừng để biên giới của một quốc gia hay tên ngành giới hạn khả năng của bạn", ông Hưng nhấn mạnh.
Nhật Lệ
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.