Tính tới cuối năm 2022, Cake huy động được hơn 2.000 tỷ đồng từ sản phẩm tiết kiệm tiền gửi, xử lý hơn 38.000 tỷ đồng các loại giao dịch, thanh toán. Sau hai năm ra mắt, ngân hàng số này cũng cán đích gần 3 triệu người dùng.
Đại diện Cake by VPBank cho biết, tuy ra đời sau nhưng Cake by VPBank có tốc độ tăng trưởng dịch vụ, khách hàng thuộc nhóm ngân hàng số dẫn đầu.
Lợi thế công nghệ
Để mở một tài khoản thanh toán hay mở thẻ tín dụng ngân hàng số Cake, người dùng không cần ra chi nhánh mà chỉ mất 2 phút, thời gian trung bình cho một giao dịch chỉ vài giây.
Để có thể rút ngắn và tự động hóa tất cả các quy trình, thủ tục vốn bao gồm nhiều văn bản, giấy tờ, nền tảng này đòi hỏi năng lực công nghệ lớn. Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank, một ngân hàng bán lẻ truyền thống muốn phục vụ khoảng 3 triệu khách hàng, ngoài việc cần tích luỹ nhiều năm, đội ngũ nhân sự cũng ước tính 1.000 đến 3.000 người. Trong khi đó, nhân sự của Cake chỉ khoảng 150 người và có đến 60% làm việc ở vị trí công nghệ.
"Cake định vị là một công ty công nghệ làm dịch vụ tài chính - ngân hàng, trong đó công nghệ được xác định là năng lực lõi. Năng lực công nghệ, xử lý dữ liệu lớn, tự động hóa các quy trình tại Cake rất cao, và là một trong những thành tố chủ chốt giúp sản phẩm chinh phục khách hàng", ông Quang nói.
Trước đó, Cake phối hợp cùng Mambu chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi chỉ trong 74 ngày. Cũng trong năm 2022, bảng xếp hạng EuroMoney Market Leaders đã bình chọn Cake là giải pháp kỹ thuật số dẫn đầu tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng.
Tiềm năng của ngân hàng số
Trong bối cảnh hầu hết ngành nghề thực hiện chuyển đổi số, người Việt cũng dần quen với việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên các nền tảng ví điện tử, hoặc các ứng dụng số của ngân hàng.
Theo đại diện Cake by VPBank, cuộc đua dịch vụ ngân hàng số tiếp tục diễn ra quyết liệt, khoảng trống nằm ở sự khác biệt giữa mô hình kinh doanh giữa các đơn vị. Ví điện tử tập trung phát triển khâu thanh toán nhỏ lẻ, các dịch vụ tài chính khác cần liên kết với các ngân hàng, các tổ chức tài chính được cấp phép. Ứng dụng điện tử của các ngân hàng truyền thống hiện vẫn chủ yếu phát triển các dịch vụ tài chính cơ bản, dịch vụ nâng cao vẫn phải ra chi nhánh ngân hàng để thực hiện. Trong khi đó, ngân hàng số ưu tiên trải nghiệm dịch vụ tài chính liền mạch, hoàn toàn xử lý tự động trên môi trường trực tuyến.
"Ngân hàng số vì thế là phân khúc riêng biệt, đa dạng và tự chủ hơn trong mặt vận hành, nhưng thách thức với các ngân hàng số là không nhỏ", ông Quang nói.
Thách thức đầu tiên là việc bảo vệ túi tiền của người tiêu dùng, đòi hỏi sự an toàn cả về mặt tài sản lẫn pháp lý. Mặt khác, ngân hàng không có chi nhánh, yêu cầu vận hành trực tuyến nhanh, ổn định và liên tục.
Khó khăn này nằm ở yếu tố công nghệ. Sản phẩm tài chính số cần được "may đo" cho từng đối tượng khách hàng mục tiêu, nhờ khả năng phân tích dữ liệu lớn, để từ đó thấu hiểu nhu cầu, hành vi, thói quen, sở thích của người tiêu dùng. Công nghệ còn giúp nền tảng quản lý hiệu quả cả về hoạt động kinh doanh và rủi ro - yêu cầu bắt buộc trong lĩnh vực tài chính.
"Chúng tôi xác định Cake thực sự là ngân hàng số khi cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính số khác biệt, được thiết kế tối ưu và phù hợp cho từng phân khúc khách hàng mục tiêu", ông Quang nhấn mạnh.
Cake đang từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh từ việc khai thác dữ liệu lớn, hướng đến khúc khách hàng từ 18 đến 40 tuổi. Ngân hàng số này có thể nhận biết và phê duyệt nâng hạn mức thẻ tín dụng cho người dùng tự động. Mặt khác, Cake còn có thể tận dụng năng lực công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm tài chính số chuyên biệt cho riêng từng hệ sinh thái số của đối tác, như ứng dụng Be.
Theo báo cáo Google Temasek về nền kinh tế số Đông Nam Á, dịch vụ tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc với khoản cho vay tăng mạnh ở mức 56% và các khoản đầu tư kỹ thuật số sẽ nhảy vọt sau năm 2025. Tiềm năng còn lớn với các hạng mục như thanh toán, chuyển tiền, nay sẽ còn mở rộng với dịch vụ bảo hiểm, vay vốn và đầu tư.
Tuệ Minh