Thu thập và phân tích dữ liệu từ các thiết bị di động như smartphone được cho là rất quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19, nhưng lại đe dọa tới quyền riêng tư. Fortune nhận định, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore là những điển hình về kiểm soát dịch bệnh thành công nhờ hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu.
Theo Giáo sư Michele Barry, Phó khoa sức khỏe toàn cầu của Đại học Stanford, Singapore áp dụng chính sách nghiêm ngặt để giảm số ca nhiễm. Chính phủ triển khai hệ thống theo dõi smartphone của người bị cách ly qua GPS. "Một số công dân bị yêu cầu chụp ảnh trong nhà để chứng minh họ tuân thủ việc hạn chế đi lại", bà nói.
Trong khi đó, Trung Quốc được hỗ trợ bởi hệ thống giám sát khắp cả nước, như quét mã QR, drone trang bị cảm biến đo thân nhiệt khi bay qua đám đông. Ở Hong Kong, người trở về từ nước ngoài phải đeo vòng tay định vị suốt thời gian cách ly.
Jason Wang, Giám đốc Trung tâm chính sách, kết quả và phòng ngừa của Đại học Stanford, cho biết Đài Loan đã có kinh nghiệm đối phó từ dịch SARS năm 2003. Các nhà chức trách thiết lập Trung tâm chỉ huy dịch bệnh trung ương, cho phép tra cứu thông tin bảo hiểm y tế, thời gian nhập cư và cảnh báo y bác sĩ chủ động phòng ngừa khi điều trị bệnh nhân đến từ Vũ Hán, cũng như các ổ dịch Covid-19 khác.
Dù phát huy hiệu quả, những biện pháp kiểm dịch dựa trên thu thập dữ liệu không thích hợp ở phương Tây, nơi người dân coi trọng quyền riêng tư. Barry cho rằng, khi chính phủ đã áp dụng, họ "khó lòng từ bỏ công nghệ giám sát" sau đại dịch.
Các nhà hoạt động quyền riêng tư trên thế giới cũng bày tỏ lo ngại về công nghệ giám sát. Michael Kleinmann, Giám đốc Amnesty International, trích dẫn quy định của chính phủ Trung Quốc bắt người dân tải ứng dụng Alipay Health Code. Sau khi đăng ký, ứng dụng cấp mã QR với ba màu xanh, vàng, đỏ để xác định ai cần phải cách ly.
"Vấn đề là chính phủ Trung Quốc không giải thích ứng dụng hoạt động thế nào", Kleinman nói. "Tất cả thông tin ứng dụng thu thập đều được chia sẻ với cảnh sát".
Ông Wang lưu ý rằng Đài Loan công bố chính sách theo dõi và chia sẻ dữ liệu sẽ hết hạn vào tháng 3/2020. Bất cứ dữ liệu cá nhân nào được thu thập trong đại dịch như lịch sử di chuyển sẽ bị xóa.
Amnesty International đề xuất, nếu khôi phục hoạt động thu thập dữ liệu sau một khoảng thời gian cụ thể, chính phủ cần công khai cho người dân và cho phép bên thứ ba xác minh khiếu nại liên quan.
Adam Schwartz, luật sư của Electronic Freedom Frontier, cho biết tổ chức của ông đang xem xét chính sách theo dõi dữ liệu, như việc sử dụng kết nối Bluetooth ở Singapore. Cụ thể, một số nhà nghiên cứu phát triển công nghệ theo dõi bệnh nhân Covid-19 qua kết nối Bluetooth, thay vì GPS, để tránh thu thập dữ liệu riêng tư..
"Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ xu hướng phát triển công nghệ giám sát", Schwartz nói. "Những bằng chứng hiện tại vẫn chưa đủ sức thuyết phục".
Việt Anh (theo Fortune)