Trung Quốc gần đây đối mặt với mùa đông khắc nghiệt ở nhiều vùng miền. Tuyết rơi dày có thể làm tê liệt giao thông, gián đoạn đời sống hàng ngày và đặt ra nhiều thách thức về kinh tế. Để xử lý băng tuyết, Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến, biến đổi quá trình dọn tuyết từ lao động tốn sức thành thành tựu công nghệ, CGTN hôm 4/1 đưa tin.
Công nghệ tan tuyết tự động sử dụng cảm biến thông minh
Không còn phụ thuộc vào dự báo thời tiết, đường cao tốc ở Trung Quốc hiện nay trang bị mạng lưới cảm biến thông minh. Những cảm biến này thu thập dữ liệu thời gian thực về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và điều kiện mặt đường. Thông tin sau đó được truyền về hệ thống trung tâm dự đoán lượng tuyết rơi và ưu tiên công tác dọn tuyết. Hệ thống thông minh giúp giảm đáng kể thời gian phản ứng, giảm thiểu gián đoạn giao thông bằng cách tối ưu hóa phân bổ và triển khai nguồn lực.
Tại thành phố Đông Dương ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, cảm biến chủ động thông minh trên đường cao tốc cùng hệ thống làm chảy băng tuyết được sử dụng lần đầu tiên để theo dõi điều kiện thời tiết qua thiết bị chuyên dụng. Khi dự đoán có băng tuyết, hệ thống sẽ phun hóa chất ngăn đóng băng từ trước để bảo vệ mặt đường. Nhờ đó, những con đường có thể làm chảy tuyết tự động.
Các thiết bị sưởi đặc biệt được lắp bên dưới lề đường, hoạt động nhờ nguồn năng lượng tái tạo như pin quang năng. Chúng tạo ra hơi ấm khiến tuyết tan chảy và trôi đi. Biện pháp này giúp cắt giảm nhu cầu dọn tuyết bằng sức người, đồng thời cải thiện độ an toàn thông qua ngăn đường sá trơn trượt.
Tại thành phố Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm phía đông bắc Trung Quốc, hai làn trên cùng con đường xuất hiện cảnh tượng hoàn toàn khác biệt sau khi tuyết rơi. Trong khi một làn phủ đầy tuyết, làn còn lại vẫn sạch đẹp. Công nghệ tan tuyết tự động trên mặt đường khiến tuyết biến mất nhanh chóng mà không ảnh hưởng tới chất lượng nhựa đường.
Súng laser công nghệ cao
Trung Quốc đang thử nghiệm súng laser mạnh có thể tán nhỏ tuyết thành hạt mịn. Dụng cụ công nghệ cao phát ra chùm ánh sáng tập trung làm tuyết bay hơi khi tiếp xúc. Dù vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu, súng laser có tiềm năng dọn tuyết nhanh và hiệu quả, đặc biệt ở vùng núi hẻo lánh. Jiang Qingliang, giáo sư ở Đại học Trùng Khánh, cho biết băng tuyết bám trên dây điện là một thách thức phức tạp. Hiện nay, làm tan băng bằng điện một chiều là phương pháp phổ biến để giải quyết tình trạng đóng băng diện rộng ở lưới điện.
Tại một trạm biến áp ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam thuộc miền trung Trung Quốc, kỹ thuật viên cho biết trạm hoạt động không người trực và chỉ cần kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh giá kéo dài trong vùng, các nhân viên phải ở lại trạm nhiều ngày để tiến hành hoạt động phá băng bằng thiết bị làm tan băng dùng điện một chiều. Theo kỹ thuật viên, khi dòng điện trên 1.000 ampe truyền qua dây dẫn, nhiệt độ tăng vọt làm tan băng hiệu quả.
"Mỗi năm trước khi băng bao phủ đường dây điện, chúng tôi thường dùng thiết bị này trước ở các trạm biến áp dễ bị đóng băng. Thiết bị có thể làm tan chảy băng trên đường dây điện dài 30 - 40 km trong vòng một giờ", Zhu Yuan, cán bộ ở viện nghiên cứu phòng trừ thảm họa tại chi nhánh Hồ Nam của Tập đoàn lưới điện Trung Quốc, cho biết.
Tại tỉnh Cát Lâm, dọn tuyết trở thành hoạt động cơ khí hóa cao. Nhờ phương tiện phá băng, máy thổi tuyết và chất làm tan tuyết sinh học, con người chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Tian Pengxin, giám đốc phòng quản lý chất lượng của công ty máy móc Xugong chia sẻ máy thổi tuyết có thể dọn tuyết cực nhanh trên đường. Theo ông, dòng điện từ máy thổi tuyết lập tức hất văng nửa mét tuyết ra xa 30 m và biến nó thành mẩu băng nhỏ. Công ty của Tian đang phát triển thế hệ máy thổi tuyết mạnh hơn, có thể dọn 4.000 tấn tuyết/giờ qua quãng đường hơn 60 m.
Robot và drone
Robot phá băng cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lưới điện. Với cánh tay cơ học, robot di động thông minh dọn băng bao phủ đường dây dưới sự điều khiển của kỹ sư ở thành phố Thiệu Dương thuộc tỉnh Hồ Nam.
Trung Quốc cũng triển khai đội drone tốc độ nhanh trang bị camera chụp ảnh nhiệt và vòi phun phân tán tuyết. Những "chiến binh" trên không này có thể nhanh chóng khảo sát khu vực lớn, xác định điểm tích tụ nhiều tuyết và nhắm chuẩn xác vào mục tiêu bằng các đợt phun hóa chất phá băng hoặc khí nóng. Drone cung cấp một công cụ hữu hiệu để quản lý băng tuyết và phản ứng với tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, drone cũng giúp kiểm tra trên địa hình hiểm trở của dãy núi Đại Biệt. Trong đợt lạnh gần đây, huyện Nhạc Tây tại thành phố An Khánh, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, nằm trong núi sâu, ghi nhận lượng tuyết rơi lớn. Khả năng băng tăng trên đường dây đe dọa nguồn cung cấp điện của huyện. Phương tiện không người lái cánh cố định có thể hoạt động ở độ cao lớn với tốc độ cao và bay đường dài giúp hoàn thành việc kiểm tra trong chưa đầy một giờ, theo Chu Zhugang, cán bộ ở chi nhánh An Khánh của Tập đoàn lưới điện.
An Khang (Theo CGTN)