Nhóm nghiên cứu ở Trung tâm chiếu sáng bằng chất rắn và điện tử năng lượng (SSLEEC) thuộc Đại học California, Santa Barbara phát triển đèn LED cực tím có khả năng khử trùng các bề mặt, không khí và nước tiếp xúc với nCoV. "Một ứng dụng chính của sản phẩm là trong môi trường y tế, khử trùng thiết bị bảo hộ cá nhân, bề mặt, sàn nhà, bên trong hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa nhiệt độ (HVAC)", tiến sĩ vật liệu Christian Zollner, chuyên gia về công nghệ đèn LED cực tím để vệ sinh và lọc sạch, cho biết.
Không phải mọi bước sóng cực tím đều giống nhau. Loại UVA và UVB mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời có nhiều ứng dụng quan trọng, nhưng loại UVC là ánh sáng cực tím dùng để lọc không khí và nước, giúp bất hoạt vi khuẩn và chỉ được tạo ra thông qua các quá trình nhân tạo. UVC là lựa chọn phù hợp nhất cho các công nghệ khử trùng hiện nay nhưng cũng gây hại cho da, do đó chỉ sử dụng khi không có người, theo Zollner.
Trước khi dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu, các nhà khoa học vật liệu ở SSLEEC đã phát triển công nghệ LED UVC. Trong báo cáo công bố trên tạp chí ACS Photonics, nhóm nghiên cứu nêu chi tiết phương pháp mới để tạo đèn LED UVC chất lượng cao, đó là đặt một màng siêu dẫn hợp kim nhôm gali nitride (AlGaN) lên chất nền silicon carbide (SiC) thay cho loại được sử dụng phổ biến hơn là chất nền sapphire.
Một trong những ứng dụng cơ bản mà nhóm nghiên cứu hướng đến khi phát triển công nghệ đèn LED UVC là khả năng khử trùng nước nhanh và tiện lợi. Công nghệ này có thể mang lại nhiều lợi ích cho những khu vực kém phát triển trên thế giới, đặc biệt là nơi thiếu thốn nước sạch.
An Khang (Theo Phys.org)