Những ví dụ từ thực tế được các chuyên gia, nhà khoa học dẫn tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển bền vững" trong khuôn khổ Hội nghị các nhà khoa học trẻ, do báo VnExpress tổ chức sáng 17/5 để minh chứng cho việc, đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tế giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường.
TS Ngô Thị Thúy Hường, Trưởng nhóm nghiên cứu hóa môi trường và độc học sinh thái (Đại học Phenikaa) cho rằng, trước đây tồn tại nhiều quan điểm trái chiều, đã phát triển thì không bền vững và ngược lại. Đến khi Liên Hiệp Quốc và các nước phát triển đã đưa ra khái niệm mang tính tổng thể hơn với 17 mục tiêu phát triển bền vững được các bên chấp nhận. Bà cho rằng, doanh nghiệp cam kết theo 17 mục tiêu này sẽ mang lại nhiều lợi ích như các sản phẩm của họ được dán nhãn phát triển bền vững, được người dân đón nhận và cơ hội phát triển thị trường lớn hơn.
Theo TS Hường, định hướng phát triển bền vững trong doanh nghiệp được cụ thể hóa bằng việc sử dụng nguyên, nhiên liệu hiệu quả giúp giảm giảm giá thành sản xuất và thể hiện cam kết của họ với xã hội. Muốn làm được việc này, bà cho rằng doanh nghiệp cần sự đồng hành của nhà khoa học trong phát triển sản phẩm nhằm đạt được mục tiêu bền vững, tiết kiệm chi phí. Nhà khoa học cần tạo ra những giải pháp xuất phát từ thực tế xã hội, từ nhu cầu doanh nghiệp.
Giảng viên Đại học Phenikaa nói, nhà khoa học không nên chờ doanh nghiệp ra bài toán cho mình mà phải tư vấn cho họ hướng phát triển bền vững làm sao tạo ra lợi nhuận cao trong hoạt động sản xuất, như vậy mới thành công. "Dù làm gì đi nữa con người phải sống chung bầu không khí, nếu kiếm được nhiều tiền nhưng phải hít thở không khí ô nhiễm thì ai cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nên nhà khoa học hãy hướng theo con đường phát triển bền vững để phục vụ cho chính cuộc sống của mình, cho xã hội và con cháu sau này", TS Hường nói.
Đồng quan điểm, ông Vũ Chí Công, đại diện Quỹ VinaCapital, cho rằng 15 năm trước nhiều người vẫn coi làm kinh doanh và làm môi trường khá trái ngược nhau. Tuy nhiên, hiện nay phát triển bền vững là vấn đề tất yếu, nó có trong mọi hoạt động doanh nghiệp và cuộc sống hàng ngày. Vấn đề đặt ra làm sao nhà khoa học có thể nhìn thấy những cơ hội để cải tiến theo hướng bền vững. Cụ thể, ông cho rằng nhà khoa học khi làm trong doanh nghiệp đánh giá quy trình sản xuất của họ có thể cải tiến như thế tiết kiệm năng lượng, từ đó giảm chi phí. Các phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất có thể nghiên cứu tái chế và tuần hoàn trở lại, hoặc biến chúng thành sản phẩm có giá trị có thể bán được.
Ông Công dẫn chứng từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long với phụ phẩm đầu tôm trong sản xuất trước đây sẽ bỏ đi. Tuy nhiên, hiện vỏ tôm là thành phần chính để chiết xuất kháng sinh để xuất khẩu với giá cao, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp ngành tôm. Với vỏ trấu, rơm rạ bỏ đi có thể trở thành năng lượng sinh khối với giá khá cao. Từ hai câu chuyện này, ông Công cho rằng, trong sản xuất doanh nghiệp luôn luôn có cơ hội cải tiến, chuyển đổi theo hướng bền vững trong mọi hoạt động. "Nếu nhà khoa học luôn tìm tòi, cải tiến tạo ra sản phẩm mới thì phát triển bền vững luôn song hành với sự phát triển doanh nghiệp", ông nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lương Quang Huy, đại diện Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, thế giới đã hình thành thị trường tín chỉ carbon với mục tiêu tối thượng là giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chủ trương này được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đưa vào luật, đóng góp sự phát triển bền vững. Ông cho rằng, tín chỉ carbon đồng thời tạo ra sản phẩm mới, tiền tệ mới được nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm. Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đề cập vấn đề cần có các phương pháp xác nhận, tạo quy chế định giá... cho tín chỉ carbon vì đây là yếu tố giúp họ tăng tính cạnh tranh, cũng như tạo ra lợi nhuận.
Lấy ví dụ, ông cho biết tập đoàn Tesla ở Mỹ năm 2019 thu được 1,4 tỷ USD từ bán tín chỉ carbon, cao hơn lãi bán ôtô. Ở Việt Nam, công ty Vinfast đã tiếp cận vấn đề này, thể hiện mối quan tâm doanh nghiệp về tín chỉ carbon rất lớn. "Việc này tạo ra thị trường việc làm xanh, công nghệ xanh ít phát thải... thông qua tín chỉ carbon. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà giúp cộng đồng phát triển bền vững", ông Huy nói. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Tài chính, xây dựng quy định chi tiết về tín chỉ carbon, tiến tới thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon thí điểm hoạt động năm 2025, vận hành chính thức giai đoạn 2027 - 2028.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Hương, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, vấn đề phát triển bền vững được công ty rất quan tâm thông qua đầu tư công nghệ, thành lập bộ phận thẩm định chuyên trách về rủi ro môi trường cho xã hội. Công ty sẵn sàng nói không với các dự án gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Về hoạt động xã hội, ông Hương cho biết, trong 3 - 5 năm qua đã tài trợ dự án như năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió... "Chúng tôi tiếp tục đổi mới cho hoạt động công nghệ, mô hình quản trị, truyền thông định hướng khách hàng theo con đường phát triển bền vững mang lại lợi ích cho nhân viên, đối tác và xã hội trong phát triển bền vững, bảo vệ môi trường", ông Hương nói và mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Hà An