![]() |
Pin mặt trời với chất liệu silicon hiện nay mới đạt 22% hiệu suất. Ảnh: Siliconsolar. |
Bộ Năng lượng Mỹ đang tài trợ cho nghiên cứu này nhằm đưa pin mặt trời vượt qua ngưỡng 41% tỷ lệ chuyển đổi. Công nghệ của Boeing-Spectrolab là sự kết hợp của hai kỹ thuật hàng đầu hiện nay.
Một là kết quả nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, theo đó pin được chế tạo từ loại bán dẫn mới, thiếc-mangan-telllurium, kết hợp với một số nguyên tử ôxy, có thể chuyển đổi 45% ánh sáng thành điện. Tuy nhiên, công trình này đang được Bộ Năng lượng và phòng thí nghiệm RoseStreet (bang Arizona, Mỹ) xem xét tính khả thi về mặt kinh tế.
Hai là kỹ thuật của công ty Sharp Solar với tỷ lệ chuyển đổi thành công đạt 36%. Pin của Sharp bao gồm một bộ phận tụ nhiệt là thấu kính mỏng tập trung ánh sáng lên pin. Nhưng thấu kính này không được làm bằng silicon mà từ hợp chất III-IV, nghĩa là các phân tử có các thành tố mang hóa trị III và IV trên bảng tuần hoàn.
Boeing-Spectrolab tiếp thu 2 công nghệ này và chế tạo pin mặt trời với một lớp tụ nhiệt mỏng trên bề mặt cùng nhiều chất hóa học ở trong thân. Tuy nhiên, hãng chưa tiết lộ các chất mà họ sử dụng.
Hiện tại, loại pin mặt trời silicon có tính thương mại cao nhất hiện nay mới chuyển đổi được 22% lượng ánh sáng hấp thụ và công suất tối đa chỉ đạt 26%. Do đó, các công ty đang đầu tư sản xuất dòng pin mới có hiệu suất cao hơn với giá thành thấp hơn. Họ cho rằng chế tạo pin với nhiều chất hóa học và các lớp thấu kính chuyển dải quang phổ thành điện năng sẽ tốn kém hơn nhưng chi phí sản xuất cao sẽ được bù đắp bằng khoản tiền tiết kiệm được nhờ hiệu suất lớn của sản phẩm.
T.H. (theo CNet)