Tại Chợ Lớn, thành phố Hải Dương, không khó để tìm được những cửa hàng mua bán và chỉnh sửa cân. Ở đây, chỉnh sửa cân đã trở thành một nghề mà không phải ai cũng làm được. Theo nhiều lời giới thiệu, muốn độ cân thì phải tìm đến thợ chuyên nghiệp thường làm tại nhà. Không hề có biển hiệu, lại ở trong ngõ sâu nên để tìm được người thợ này cũng rất khó khăn.
Bằng cách chế tác một số bộ phận bên trong chiếc cân như thay, mài, co giãn lò xo, gắn chíp điện tử…, mỗi ngày những cơ sở “độ” cân tại đây cho ra lò hàng trăm chiếc cân thiếu chính xác, tiếp tay cho gian thương móc túi khách hàng.
Ngay từ sáng sớm đã có nhiều người đến lò “độ” cân này. Người mang theo cân trọng lượng nhỏ ăn gian vài ba lạng, còn dân buôn bán lớn yêu cầu “độ” ăn ít là 5kg nhiều thì hơn 10kg tùy trọng lượng thật của chiếc cân.
Thợ độ đang chỉnh sửa lại cân. Ảnh: Vietq |
Hỏi về quy trình độ cân, anh thợ không ngần ngại chia sẻ ngay: "Nếu vặn làm giãn lò xo thì "ăn" tối đa được hai lạng, giá độ là 20.000 đồng, nếu anh chị không muốn "ăn" nữa, tôi có thể chỉnh lại chuẩn xác như lúc đầu". Cũng theo anh này, cách mài mòn lò xo sẽ "ăn" được nhiều trọng lượng hơn nhưng không chỉnh lại như ban đầu được vì lò xo bị mỏng, giá làm là 60.000 đồng.
Nói xong anh lấy một chiếc cân đồng hồ loại 20 kg. Tỏ ra khá thuần thục, người thợ cầm kìm bấm khéo léo cắt rời kẹp chì niêm phong rồi tháo từng chiếc lò xo, bằng hai cây kìm anh vặn tới vặn lui để làm giãn lò xo. Sau đó lắp lại đúng theo sơ đồ của chiêu thức độ cân lò xo. Tiếp tục lấy ra một quả cân chuẩn bằng sắt nặng 1kg đặt lên cân, anh thợ nói: "Chuẩn rồi! 1kg thành 1,5kg rồi”. Xong việc, người thợ chỉnh cân dùng mỏ hàn để hàn lại chì niêm phong.
Độ cân bằng tay với những dụng cụ thủ công vẫn là chiêu bài quen thuộc và thông dụng nhất. Tuy nhiên, hiện nay với công nghệ mới, quy trình làm cân độ diễn ra nhanh hơn, tiện hơn. Và cũng từ đó thương lái dễ dàng móc túi người tiêu dùng.
Hiện có ba kiểu “độ” cân phổ biến: thay, mài lò xo; làm theo kiểu lắc và gắn “đồ chơi - chíp điện tử” cho cân. Kiểu thay, mài lò xo hiện không còn được nhiều người yêu cầu vì đơn giản. Riêng kiểu gắn “đồ chơi” cho cân thì chỉ “độ” được cho cân điện tử, cân có trọng lượng lớn, đứng từ xa dùng điều khiển nhấn nút là chiếc cân có thể “ăn” bao nhiêu tùy ý muốn của mình. Nhưng do giá thành của một lần “độ” này cũng khá cao, dao động từ 5 triệu cho đến 7 triệu đồng cho mỗi chiếc, nên chỉ có người làm ăn buôn bán lớn mới có yêu cầu.
Tại một lò độ cân khác, bà chủ quán quảng cáo, cân độ bây giờ được điều khiển từ xa bằng remote. Chủ muốn ăn (số ký) bao nhiêu thì chỉ cần bấm nút, không muốn ăn thì thôi. Chắc chắn không bị quản lý thị trường phát hiện".
Theo quan sát, các thợ độ của tiệm này có thể độ bằng điều khiển điện tử cho các loại cân lò xo, cân bàn điện tử, cân điện tử cảm ứng. Giá tiền cho mỗi lần độ có thể lên đến hàng triệu đồng. Bà chủ quá tỉ mỉ giải thích từng bài độ cân bằng mạch điện tử: "Nếu độ cho cân lò xo loại 60-100kg, giá độ điện tử và cả cân là 4,5 triệu đồng. Loại cân lò xo, chúng tôi sẽ lắp ráp một bo mạch điện tử do thợ của tiệm tự chế tạo và một bộ bơm thủy lực kéo đẩy cân để bo mạch điều khiển và nhiều món lắm, kể ra không biết đâu. Tất cả được ráp trong lòng cân lò xo, sau đó chúng tôi có chì niêm phong giống 100% của chính hãng cân để bấm lại cho khách hàng. Tiệm sẽ cấp cho chủ cân một cái điều khiển bí mật nhỏ bằng thẻ xe, khi cần, chủ nhấn nút thì cân sẽ làm việc".
Với các loại cân điện tử, cân bàn điện tử thì thợ sẽ có bài độ riêng. Nhưng mức ăn, hụt của cân chỉ điều chỉnh được một mức và chỉnh được một lần do phải điều khiển bằng bo mạch điện tử và phải lập trình, khác với cân lò xo vừa có thể điều khiển được bo mạch vừa điều chỉnh được lực đàn hồi của lò xo.
Giá độ cho một cân điện tử là 3,5 triệu đồng. Riêng với bài độ cân bằng điện tử, chủ có thể đứng cách xa 5m đến 10m vẫn có thể điều khiển được cân. Đây là kiểu rất được ưa chuộng, tuy giá cao nhưng với nhiều cơ sở mua vải ký, đại lý mua bán sắt thép, đồng, bột mì... số tiền đầu tư ban đầu chẳng là bao so với số "nuốt" lại cho chủ.
Nhiều người dân bức xúc khi phát hiện mình bị mua “hớ” nhưng cũng không thể làm gì được vì người bán hàng luôn chối bay chối biến. Một người sửa cân có kinh nghiệm lâu năm, cho biết nhìn bề ngoài thì không thể phát hiện được chiếc cân nào đã bị “độ”. Cách tốt nhất khi đi mua hàng muốn nhận biết cân gian chúng ta đưa ngón tay để vào bàn cân, nếu thấy chiếc cân bị lực của ngón tay mà lún sâu thì y như rằng chiếc lò xo ấy đã bị “động chạm”. Thợ độ cân này còn cho biết còn cho biết chủ buôn sẽ thực hiện màn đối phó với khách hàng bằng việc cân thêm một số lượng giá trị thừa ra mà người tiêu dùng muốn mua nhưng số tiền vẫn không thay đổi khi gặp những khách hàng khó tính và cảnh giác với cân “độ”.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2009 Chính phủ đã ban hành nghị định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa. Tiểu thương cân gian sẽ bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng, mức phạt còn tăng lên từ 4 - 7 triệu đồng nếu tái phạm. Trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội “lừa dối khách hàng” theo Điều 162 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì cơ quan chức năng cần khởi tố hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này.
Tại một số chợ có đặt cân đối chiếu nhưng cũng rất ít người dùng, thậm chí nhiều trường hợp người mua phát hiện có cân gian thì bị người mắng bán mắng cho té tát đâm ngại kiện cáo. Và người bán cân “điêu” vẫn không bị xử lý nên nạn gian lận này vẫn cứ tràn lan.
Theo Vietq