Thứ hai, 13/1/2025
Thứ hai, 30/12/2019, 15:03 (GMT+7)

Công nghệ ấn tượng của thập kỷ

Hàng loạt công nghệ đột phá về nhiếp ảnh di động, màn hình hiển thị... đã xuất hiện và phát triển trong giai đoạn 2010-2019.

Chụp ảnh di động

Khả năng chụp ảnh trên smartphone chưa thể bằng máy ảnh DSLR chuyên nghiệp, nhưng đã vượt xa máy ảnh kỹ thuật số point-and-shoot vốn rất phổ biến cách đây 10 năm.

2010 là năm ra đời iPhone 4 - mẫu smartphone khiến người dùng nghĩ đến sự nghiêm túc của các hãng sản xuất điện thoại về nhiếp ảnh di động. Tuy nhiên, mãi đến 2015 trở đi, khả năng chụp ảnh trên điện thoại mới thực sự tăng tốc bởi hàng loạt sản phẩm như dòng P và Mate của Huawei, dòng Galaxy S và Note của Samsung hay Apple iPhone 11 Pro từ Apple. 

Công nghệ màn hình

Apple là một trong những công ty đầu tiên nâng cấp chất lượng màn hình với iPhone 4 và công nghệ Retina Display. Sản phẩm được đánh giá tích cực nhờ hình ảnh hiển thị mịn màng, sắc nét trên màn hình 4 inch.

Công nghệ LCD vẫn chiếm tỷ lệ lớn 10 năm qua, nhưng khoảng 5 năm gần đây, OLED nổi lên như một xu hướng mới. Với ưu điểm mỏng, ít tốn điện, hiển thị sắc nét và độ tương phản cao, loại màn hình này không chỉ có trên smartphone mà còn cả TV và nhiều thiết bị số khác. Một tính năng độc đáo của OLED hứa hẹn sẽ cách mạng hóa hình dạng và hình thức của thiết bị số 10 năm tới là có thể uốn cong và gập lại. Thực tế, cuối thập kỷ này đã xuất hiện một số sản phẩm gập như Samsung Galaxy Fold, Huawei Mate X và Motorla Razr 2019.

Bảo mật sinh trắc học

Cách đây 10 năm, ít ai nghĩ đến việc nhìn vào điện thoại, hoặc chạm ngón tay vào màn hình điện thoại để mở khóa. Khi đó, chúng mới chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng. Tuy nhiên, cảm biến vân tay nhanh chóng phổ biến và trở thành tiêu chuẩn trên smartphone sau khi xuất hiện trên iPhone 5s (2013). Nó không chỉ dùng để mở khóa điện thoại, mà còn để xác thực mua sắm, thanh toán ngân hàng... Sau 5 năm, Apple tiếp tục giới thiệu tính năng nhận diện khuôn mặt 3D với camera TrueDepth.

Trong khi đó, các hãng điện thoại Android cũng cải tiến cảm biến vân tay và đưa nó đến các vị trí thuận tiện hơn, như cạnh bên, mặt sau máy hay bên dưới tấm nền màn hình. Nhiều phương thức xác thực như mống mắt (Samsung) hay quét tĩnh mạch (LG) cũng đã được đưa vào điện thoại.

Ứng dụng nhắn tin

Trước 2010, đa số người dùng trao đổi thông tin qua tin nhắn SMS vốn bị tính phí và phụ thuộc vào nhà mạng. Tuy nhiên, những ứng dụng như Facebook Messenger, Telegram, iMessage... ra đời giúp việc giao tiếp tiện dụng hơn, tương thích với nhiều thiết bị. Bên cạnh văn bản, người dùng còn có thể gửi ảnh, video, tập tin... nhanh chóng và tiện lợi, miễn là có mạng Internet. Việc bùng nổ ứng dụng nhắn tin cũng buộc các nhà mạng tập trung hơn cho dịch vụ Internet thay vì nghe gọi và nhắn SMS như trước.

Nhận diện giọng nói

Trước 2010, tính năng nhận diện giọng nói chỉ phục vụ cho mục đích chuyên dụng, như trong phòng thí nghiệm hay các thiết bị quân sự. Năm 2011, nhận diện giọng nói được Apple đưa lên iPhone 4s thông qua trợ lý ảo Siri. Đến 2014, Amazon công bố Alexa, sau đó Google giới thiệu Assistant giữa 2016. Hiện nay, hầu hết smartphone và thiết bị số như máy tính bảng, loa thông minh, smartwatch hay website bán hàng, website tìm kiếm đều tích hợp tính năng nhận diện giọng nói.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Đầu thập kỷ, khái niệm "Trí tuệ nhân tạo" mơ hồ và không nhiều người hiểu chính xác. Dù chưa thể xây dựng một AI thông minh như con người, các ứng dụng AI cũng đã được đưa vào thực tế  như robot, xe tự lái. Ngay cả smartphone cũng tích hợp AI, hỗ trợ camera phân tích cảnh đang chụp, chỉnh sửa ảnh...

AI cũng giúp các khái niệm khác như máy học hay học sâu trở nên phổ biến. Trong số này, kỹ thuật ghép mặt, giọng nói vào video, được gọi là Deepfake, đang khiến việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn hơn trong thập kỷ tới.

Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe

Việc đưa các tính năng như theo dõi nhịp tim, đo lượng kalo tiêu thụ khi tập thể thao, đếm bước đi bộ, cảnh báo ngồi lâu, tính toán stress... vào một thiết bị đeo trên cổ tay là điều xa vời cách đây 10 năm. Tuy vậy, nửa sau thập kỷ đã chứng kiến sự bùng nổ sản phẩm đeo dạng này. Các tính năng của nó cũng được nâng cấp, như cảnh báo nhịp tim bất thường, gọi khẩn cấp khi phát hiện người đeo té ngã...

Kết nối không dây

Kết nối Wi-Fi chưa thực sự phổ biến năm 2010, chỉ xuất hiện trên một số mẫu điện thoại, laptop và gần như không có cho tai nghe, bàn phím, máy ảnh. Tuy vậy, ngày nay, các kết nối Wi-Fi, 3G/4G hay thậm chí là 5G được xem là tính năng buộc phải có nếu không muốn bị lạc hậu. Riêng Bluetooth tốc độ cao cũng có trên loa, tai nghe, bàn phím...

Đáp ứng nhu cầu này, các thiết bị mạng được nâng cấp về băng thông, cùng các giải pháp kết hợp nhằm phủ sóng rộng hơn. Mạng 5G dự kiến bùng nổ trong thập kỷ tới cũng có thể là tiền đề cho công nghệ xe tự lái, truyền dữ liệu tốc độ cao phát triển.

Bảo Lâm (theo Gizmodo)