Đê Phổ Minh cách bờ biển hai km, được duyệt chủ trương đầu tư từ 2015, với tổng vốn 72 tỷ đồng. Công trình được xây dựng nhằm ngăn mặn, chống xói lở đất ảnh hưởng việc sản xuất của nông dân.
Dự án ban đầu do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, về sau việc này được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi thực hiện. Tháng 9/2021, đê hoàn thành và được bàn giao cho địa phương vận hành.
Đê dài 1.425 m có 4 cống, trong đó cống sông Rớ lớn nhất dài 20 m. Theo thiết kế, việc nâng hạ các cửa van để điều tiết nước phục vụ sản xuất tại cống được vận hành bằng điện. Tuy nhiên, 4 năm qua địa phương phải dùng sức người để nâng hạ các cửa van do điện chưa được đấu nối.
Ông Nguyễn Quốc Phương, cán bộ giao thông - thủy lợi - khuyến nông - thú y phường Phổ Minh, cho biết từ khi nhận bàn giao công trình và đưa vào sử dụng đến nay, chính quyền địa phương và người dân đều lo âu vấn đề vận hành.
"Mỗi lần muốn vận hành cống sông Rớ, phường phải huy động 10-12 người khỏe mạnh thay phiên quay các cửa van do chúng lớn, rất nặng", ông Phương nói, cho biết do vận hành khó khăn nên đôi lúc cống sông Rớ chưa đáp ứng kịp thời mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt.
Trước vấn đề này, UBND xã Phổ Minh đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hiện trường mới đây, lãnh đạo thị xã Đức Phổ cho biết việc đầu tư đường điện không khả thi vì không hiệu quả.
"Cống ngăn mặn một năm chỉ vận hành hai lần. Nếu thị xã đầu tư đường điện để vận hành cống phải mất gần một tỷ đồng", một lãnh đạo thị xã Đức Phổ nói và cho biết đã làm việc với phường Phổ Minh và thống nhất tiếp tục vận hành cống thủ công như lâu nay.
Phạm Linh