Tại nhiều bức bờ tường, cột điện hay bất kỳ chỗ trống trên các bức tường ở Hà Nội đều nhan nhản tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với nội dung “Alo là có tiền”, “Cho vay lãi suất thấp”, “Hỗ trợ tài chính cho người khó khăn”, “Cho vay không thế chấp”... kèm theo số điện thoại liên lạc.
Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) gần Đại học Kiến trúc, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông có đến hơn 20 cửa hàng cho vay tiền. Đường Láng (quận Đống Đa) dài chừng 4 km song tập trung đến hơn 50 tiệm.
Giữa tháng 10/2018, anh Phong gọi theo số điện thoại trên tờ quảng cáo dán, một người đàn ông xác nhận là người cho vay tiền “lãi suất thấp” với thủ tục đơn giản. Không nói nhiều qua điện thoại, người này bảo Phong đến trụ sở công ty hỗ trợ tài chính ở đường Láng để trao đổi cụ thể.
Tại tiệm có biển quảng cáo bên ngoài là buôn bán sim số đẹp, Phong được dẫn qua cánh cửa kính đen để vào "trụ sở giao dịch cho vay tiền". Tại đây, Phong thấy năm người đang lúi húi viết giấy, điểm chỉ vân tay và đếm tiền. Mọi giao dịch diễn ra nhanh gọn.
Người cho vay tiền nói khách hàng chỉ cần xuất trình chứng minh thư, sổ hộ khẩu bản gốc và hợp đồng lao động mà không cần tài sản thế chấp. Sau thỏa thuận ban đầu, tiệm sẽ cho người đến chỗ ở và nơi làm việc để xác minh. “Chỉ khoảng một giờ đồng hồ là nhận được tiền”, người này nói.
Theo chủ cửa hàng, ở đây cho vay theo hình thức trả góp hay còn gọi là bốc họ. Người vay sẽ bị cắt trước tiền lãi và tiền gốc trả dần hàng ngày theo định mức số tiền vay.
Nếu vay 10 triệu đồng, khách chỉ được cầm về 8 triệu và phải trả 200.000 đồng/ngày trong vòng 50 ngày. Nghĩa là người vay sẽ bị khấu trừ ngay 20% trong tổng số tiền vay. "Ai có sổ hộ khẩu gốc Hà Nội mới được vay 30 triệu, còn không chỉ được khoảng 10-20 triệu đồng và phải phụ thuộc theo công việc”, người đàn ông giải thích "luật vay".
Đều đặn mỗi ngày con nợ sẽ phải đến cửa hàng để trả góp hoặc trả qua hình thức chuyển khoản. Trường hợp bất khả kháng, chủ nợ sẽ cử người đến tận nơi thu tiền.
Tính theo cách này, khách phải chấp nhận lãi suất gần 15%/tháng, tương đương gần 180%/năm. Trong khi các tổ chức tín dụng hiện cho vay 10-14%/năm.
Cần tiền để nộp học phí, sau thời gian dài đắn đo, anh Tài (sinh viên đại học ở Hà Nội) gọi theo số điện thoại trên tờ quảng cáo dán ở cột điện đầu ngõ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi vay 10 triệu đồng. Chừng 30 phút sau khi liên lạc có hai thanh niên đi xe máy đến nơi trọ của Tài. Xem hết các giấy tờ, họ chỉ đồng ý cho vay 4 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng cho một triệu trong một ngày.
“Nếu muốn vay 10 triệu đồng thì dẫn theo hai bạn cùng lớp (cầm theo thẻ sinh viên, chứng minh thư) đến cửa hàng để xác nhận. Vay nhiều hơn nữa thì điều kiện bắt buộc phải có sổ hộ khẩu gốc Hà Nội”, một nam thanh niên nói.
Đến "trụ sở" công ty tài chính ở phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), anh Tài được một người đàn ông ngoài 40 tuổi dặn phải có trách nhiệm với khoản tiền gốc và lãi. “Thủ tục khá đơn giản nhưng anh đã nắm mọi thông tin của em nên đừng nghĩ chuyện chạy trốn. Nhiều người định trốn nợ nhưng đều bất thành”, ông ta dằn mặt.
Nếu đồng ý vay 4 triệu đồng trong một tháng, anh Tài phải viết giấy vay nợ và trả luôn 600.000 đồng tiền lãi. Trong giấy nợ chỉ ghi số tiền, thời hạn vay và không có mức lãi suất. Người vay sau đó phải nói về lãi suất và các rằng buộc để chủ cửa hàng quay video làm bằng chứng.
'Tín dụng đen như cướp ngày'
Theo một cán bộ Phòng cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội), nhiều vụ án bị triệt phá và nhiều kẻ liên quan bị bắt song người dân vẫn bị rơi vào bẫy tín dụng đen. Các tổ chức "hỗ trợ tài chính" thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng nhiều hình thức để đối phó với nhà chức trách. Người vay khi không có khả năng trả nợ sẽ bị chúng cho băng nhóm xã hội đen bắt, đe dọa, cố ý gây thương tích...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm quốc gia (138), Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, báo cáo của các địa phương cho thấy tình hình tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang diễn ra rất phức tạp, bản chất "gần như cướp ngày".
Cơ quan công an đang đấu tranh với hàng trăm băng nhóm cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Theo Bộ Công an, nguyên nhân của vấn nạn trên do tình hình kinh tế, nhiều cá nhân, công ty gặp khó khăn về vốn nên đi vay. Một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham chơi cũng đi vay nặng lãi. Các chế tài xử lý chưa tương xứng; sự vào cuộc của chính quyền chưa đúng mức...
Cho vay nặng lãi có thể phải đi tù
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho biết điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, trong giao dịch dân sự, người nào cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (hiện là 20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng... sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trường hợp việc cho vay lãi nặng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5 đến 15 triệu đồng.
Pháp luật không đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với người đi vay trong các giao dịch dân sự cho vay lãi nặng. Ngược lại, họ được pháp luật bảo vệ trong các giao dịch dân sự này. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, người đi vay có đủ bằng chứng chứng minh vay tiền của lãi nặng thì sẽ chỉ phải trả số tiền gốc cùng với số tiền lãi tính theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.