Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wyoming, Mỹ, và Đại học Pretoria, Nam Phi, cho biết hươu cao cổ phát triển hình dạng chiếc cổ và chân dài ngoài việc tìm kiếm thức ăn trên cao, nó còn giúp loài động vật này tối đa hóa quá trình làm mát cơ thể, theo Science Direct.
Đối với các loài động vật, tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể chia cho khối lượng càng lớn thì nó càng có nhiều diện tích hơn để tản nhiệt qua da. Điều này rất quan trọng đối với những con vật sống trong môi trường có điều kiện khí hậu nóng và khô hạn.
Để kiểm tra tỷ lệ này ở hươu cao cổ, nhóm nghiên cứu tiến hành tính diện tích bề mặt cơ thể (SA) của 30 con hươu cao cổ đực và 30 con hươu cao cổ cái ở phía đông nam Zimbabwe. Khối lượng của chúng dao động từ 141 đến 3.105 kg.
Kết quả cho thấy, diện tích bề mặt tương đối tính bằng đơn vị cm2 trên 1 kg khối lượng cơ thể của hươu cao cổ giảm xuống theo độ tuổi. Tổng diện tích bề mặt cơ thể trung bình của hươu cao cổ không khác biệt đáng kể so với động vật có vú có cùng khối lượng. Điều này là do diện tích bề mặt thêm vào phần cổ và chân của hươu được bù đắp vào phần thân nhỏ hơn.
Đường kính phần cổ và cẳng chân của hươu cao cổ khá nhỏ so với kích thước cơ thể. Điều này giúp chúng làm tăng tỷ lệ thoát nhiệt do quá trình đối lưu và bay hơi, đồng thời giảm sự hấp thụ nhiệt từ ánh nắng Mặt Trời.
"Chúng tôi đi đến kết luận những con hươu cao cổ không có diện tích bề mặt cơ thể lớn một cách bất thường so với khối lượng. Tuy nhiên, hình dạng cơ thể đặc biệt giúp chúng điều hòa nhiệt độ tốt hơn khi sống trong môi trường khô hạn mà chúng yêu thích", nhóm nghiên cứu cho biết.
Lê Hùng