Đầu tiên tôi xin phép nói rõ, ở đây chỉ bàn về yếu tố kinh doanh có lợi nhuận chứ không bàn về các hành vi mất lịch sự với khách hàng của tài xế taxi công nghệ hay các "trò bẩn" của khách đối với tài xế.
Thứ nhất, tài xế taxi công nghệ chia ra làm 3 dạng: Chính chủ tự lái, thuê xe để lái và lái thuê ăn chia như taxi truyền thống
Trong 3 dạng này thì chính chủ tự lái thường không bị áp lực tiền bạc nhiều nếu như không vay mượn ngân hàng hoặc vay trả lãi để mua. Trường hợp xe chính chủ mua tự lái mà phải trả lãi vay thì áp lực tiền bạc cũng không thua gì hai dạng tài xế còn lại (thuê xe lái và lái thuê ăn chia).
Tôi nói vậy để các khách hàng hiểu rằng lái taxi công nghệ cũng là một hình thức kinh doanh mà kinh doanh thì phải nói đến lợi nhuận trước tiên. Bất cứ một người kinh doanh nào dù là lớn hay nhỏ như bán mớ rau đều có quyền từ chối nếu người mua trả giá thấp đến mức lợi nhuận không có hoặc lỗ vốn. Cũng như người mua cũng có quyền từ chối nếu giá bán không hợp lý. Vậy có gì sai khi tài xế từ chối các cuốc xe giá thấp?
Thứ hai, mỗi cuốc xe 20.000 đồng tài xế chưa lời được gói xôi
Các hãng taxi công nghệ đều trừ 28,5% doanh thu, tức tài xế chỉ còn lại 71,5%. Với mỗi cuốc xe 20.000 đồng thì xem như tài xế chỉ nhận được 14.300 đồng, chưa trừ chi phí và khấu hao xe...
Đầu tiên, tôi tính chi phí xăng. Tiền xăng quãng đường đi đón cộng tiền xăng quãng đường chở khách thường chiếm trên 30% khi chạy trong nội thành. Như vậy số tiền tài xế nhận được là: 14.300 – (30% x 20.000) = 8.300 đồng. Số tiền này, chưa được một gói xôi thì chuyện tài xế từ chối nhận cuốc ngắn là dễ hiểu.
(Xem thêm: Tôi bị tài xế Uber, Grab hủy chuyến vì đi gần)
Thứ ba, vì sao tài xế taxi công nghệ hay từ chối các chuyến liên tỉnh?
Tôi xin giải thích như sau: Trước tiên, tài xế đi xa thì nguy cơ rủi ro cao hơn đi trong TP HCM. Giá cước taxi công nghệ đưa ra hiện nay chỉ có lời nếu khoảng đường di chuyển không khách trên xe ngắn. Tức bạn thả khách xuống thì bạn phải đón được khách gần ngay đó mới có lời, nếu chạy lòng vòng để tìm khách thì doanh số cũng chẳng được bao nhiêu.
Điều này dẫn đến việc: Tài xế chở bạn đi xa phải chạy xe không khách nguyên đoạn đường về, chi phí xăng xem như tăng 200% cho cuốc xe đó thì cũng không có lời. Tôi chưa kể tới việc kẹt xe trên xa lộ vì không biết đường biết hẻm nào mà tránh nên đành đứng chịu trận.
Tài xế nào đi Bình Dương một cuốc với giá hơn 200.000 đồng mà bị kẹt xe vài tiếng thì móc tiền ra bù lỗ tiền xăng là chắc chắn. Vì tiền cuốc xe đó chưa đủ trả tiền xăng.
Nhiều khi tài xế gặp khách tốt bụng còn cho vài chục hỗ trợ xăng an ủi nhưng đa số khách đi taxi công nghệ đều là người tiết kiệm tối đa nên tài xế chẳng dám mơ nhiều về chuyện này. Vậy nên "tránh voi chẳng xấu mặt nào" tức là từ chối mấy cuốc xe một chiều đi tỉnh.
(Xem thêm: Tôi bị xe ôm truyền thống bắt đi bộ hơn cây số vì đặt Grab)
Thứ tư, một lý do từ phần mềm đặt xe
Phần mềm đặt xe không thể cập nhật bản đồ để tính giá trị cuốc xe chính xác vì chỉ tính theo khoảng cách "chim bay" hoặc "đường đi gần nhất" mà bỏ qua chi tiết quan trọng. Cụ thể, tài xế phải chạy bao xa để nhận khách và di chuyển để thả khách ở điểm đến (nhỡ đường một chiều, đường cấm ôtô thì phải chạy lòng vòng).
Vì thế, bạn là người sử dụng taxi công nghệ và tôi cũng vậy, nhưng đôi khi chúng ta cũng nên tìm hiểu vì sao tài xế lại hay từ chối những cuốc gần và đi liên tỉnh. Mặt khác, trong kinh doanh thuận mua thì mới vừa bán.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.