Hai môn bóng đá của Việt Nam kết thúc thi đấu cùng ngày với hai kết quả mà ai cũng đoán trước được. Các chị giành huy chương vàng, các anh đi về từ vòng bảng kèm theo 3 trái banh mà Thái gửi tặng.
Cái thua của tuyển nam thì cũng y chang như trước tới giờ, thua từ bao nhiêu năm nay, thua không phải chỉ Thái Lan mà còn là các đội khác ở Đông Nam Á. Đó là thua về tinh thần. Ở trận gặp Indonesia chẳng hạn, các cầu thủ có thừa sức để thắng nhưng đá hoài không vào. Đó là khả năng dứt điểm và là khả năng lạnh lùng trước khung thành.
Các bình luận viên nước ngoài gọi nó là "clinical finish", tức là khả năng "dứt điểm lâm sàng". Các bác sĩ khi đã lâm sàng thì sẽ quên hết mọi sự, chỉ tập trung vào công việc trước mắt, dùng hết khả năng chuyên môn, thực hiện từng bước rõ ràng và dứt khoát. Dứt điểm trước khung thành cũng như vậy.
Công Phượng đứng trước quả phạt đền trong trận gặp Thái Lan đã không có cái khả năng dứt điểm lâm sàng đó. Các cầu thủ trong trận gặp Indonesia lại càng không. Đâu có phải là cầu thủ Việt cóng chân trước Thái Lan, họ cóng chân trước khung thành ấy chứ.
Công Phượng sút hỏng 11 mét trong trận gặp Thái Lan
Thật khó để so sánh bóng đá nam và nữ. Bóng đá nam phát triển từ lâu và Việt Nam là kẻ đến sau, ngay cả trong Đông Nam Á, vùng trũng của bóng đá thế giới. Bóng đá nữ phát triển sau, Việt Nam tham gia sự phát triển này khá sớm và thường xếp ở khoảng hạng 30 trên thế giới, có lúc còn có cơ hội đi World Cup.
(Xem thêm: Ca sĩ Hoàng Bách: 'Hữu Thắng đừng buồn vì VN có trăm triệu HLV')
Cái chung của cả hai đội là sức ép của cổ động viên, thứ mà ai đá bóng cũng phải trải qua. Cái khác là các anh thì đổ sụp, các chị thì vươn lên. Đứng trước áp lực phải thắng từ 5 bàn trở lên, dù là trước một đội yếu, cộng với cái trách nhiệm an ủi cho người hâm mộ khi tuyển nam đã thua thảm, các chị đã làm được, làm còn nhiều hơn khi thắng những 6-0. Trong suốt trận đấu, các chị không tỏ vẻ gì là căng cứng.
Tuyển nữ Việt Nam đánh bại chủ nhà Malaysia 6-0 để giành huy chương vàng
Vậy thì giải pháp nằm ở chỗ nào? Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn có chung một cái bệnh mà mãi không ai chịu giải. Ở Việt Nam, trẻ em không có nhiều cơ hội để đá bóng. Các cầu thủ ngày nay toàn là do các lò đào tạo từ nhỏ. Mà các lò thì chỉ có thể đào tạo những em nhỏ được người nhà đưa tới. Có được bao nhiêu người đưa con mình tới đâu? Vậy là bao nhiêu người có năng khiếu thể thao hoàn toàn không bao giờ được sờ tới trái bóng.
Ở cấp đội tuyển, tuyển Việt Nam được biết tới như cái lò xay huấn luyện viên. Trong 5 năm trở lại đây tuyển Việt Nam có 4 huấn luyện viên: Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Miura và Nguyễn Hữu Thắng. Cái tốc độ thay huấn luyện viên này có thể so sánh với Real Madrid, còn hiệu quả thì như không.
Ngày Miura được thuê, VFF nói rằng Miura được thuê để cải thiện thành tích lâu dài, để ổn định lối chơi, VFF sẽ chấp nhận khoảng thời gian bị thua ban đầu để phát triển dài lâu. Cái lời hứa đó nó ra làm sao thì ai cũng biết. Cái đáng buồn nhất là chính các cổ động viên đã thi nhau kêu gọi VFF làm như vậy.
(Xem thêm: 'CĐV không nên mù quáng chỉ trích HLV Miura')
À thì Miura không tạo ra lối chơi thích hợp với tuyển Việt Nam, à thì người Việt Nam nhỏ bé mà bắt chơi bóng dài, đua tốc độ... Về lý thuyết thì người nhỏ con nên chơi bóng ngắn, về thực tế thì chơi bóng ngắn đòi hỏi hai thứ mà Việt Nam không có: thể lực để chạy cho nhanh trong suốt 90 phút và cả đội phải có thể lực như nhau, rồi một mặt sân láng mướt.
>> Chia sẻ video, bài viết của bạn về bóng đá Việt Nam tại đây.
Ở cấp độ thế giới thì hai điều này có, ở Việt Nam thì không. Đá phối hợp nhỏ mà sân thì đầy nước, đầy sình, đầy chỗ mấp mô thì chịu, cả Đông Nam Á sân nào cũng vậy, chỉ có là ít tệ hơn nhau mà thôi.
Nhưng mà chỉ trích nhau về cái chuyện bóng ngắn bóng dài và mặt sân mấp mô thì cũng chả được gì. Cái mà có thể làm là mướn một ông thầy hơi có trình độ một chút rồi kiên trì theo ông ấy một thời gian xem sao. Tuyển Việt Nam từ U22 trở lên mấy năm nay ở Đông Nam Á nhiều lắm là vào bán kết, còn rớt vòng bảng thì cũng có. Miura đã bị tống cổ sau 2 lần vào bán kết... Cứ thế này thì chả ai ở được lâu.
(Xem thêm: Hãy coi châu lục là đấu trường chính cho bóng đá Việt Nam)
Vậy thôi, mỗi khi bóng đá Việt Nam thi đấu xong một giải Đông Nam Á là lại có một nỗi buồn. Biết làm sao được khi nhiều người hâm mộ không đủ kiên nhẫn để chờ một người thầy nào đó dạy dỗ một thời gian xem sao. Còn những ai làm được chút gì thì sẽ bị đuổi ra đường khi mà thành tích bị sa sút một chút.
Như là ông Calisto, năm trước dành AFF cúp, năm sau U23 về nhì thì đã phải bỏ chạy. Không ai đuổi ông, nhưng có vẻ như ông đã tìm thấy một mảng cỏ xanh hơn nhiều ở ngay bên hàng xóm.
>> Xem thêm: Vì sao trọng tài từ chối cho U22 Việt Nam hưởng penalty?