Thứ sáu, ngày 26/6 vừa qua, toà án tối cao ở Mỹ ra phán quyết cho phép kết hôn đồng giới trên toàn nước Mỹ. Đây là chiến thắng rất quan trọng của người đồng tính Mỹ, bởi con đường đi đến ngày hôm nay của họ quả thật rất gian lao. Tôi xin kể câu chuyện này với tư cách một người từng tham gia vận động cho quyền kết hôn của người đồng tính Mỹ.
Từ năm 2000, một số tiểu bang của Mỹ đã đưa vào luật pháp một điều khoản rằng hôn nhân chỉ gồm một nam một nữ. Năm 2004, Massachusetts là tiểu bang đầu tiên cho phép kết hôn đồng tính. Quốc hội tiểu bang Massachusetts đã thông qua điều luật này.
Năm 2008, Quốc hội tiểu bang Cali cũng thông qua hôn nhân đồng giới. Ngay lập tức, phe chống đối đưa vào kì bầu cử năm đó một điều luật sửa đổi hiến pháp tiểu bang để cấm. Điều sửa đổi này được thông qua với 52% số phiếu bầu của dân chúng và hôn nhân đồng giới lại bị cấm ở Cali.
Xin nói thêm rằng, ở Mỹ, giấy kết hôn là do tiểu bang cấp. Các tiểu bang ban hành luật do quốc hội tiểu bang. Nhiều bang có quy trình sửa đổi hiến pháp bằng cách đưa ra cho dân biểu quyết. Cali là tiểu bang có cách sửa đổi hiến pháp nhanh nhất, trong đó hiến pháp có thể sửa đổi bằng hơn 50% số phiếu.
Trước cuộc bỏ phiếu năm 2008 ở Cali, chiến dịch vận động cho dự luật số 8 (Prop 8) của cả hai bên thuận và chống rất ầm ĩ. Cả hai bên đều quyên góp và tiêu xài lên tới 60 triệu đô la mỗi bên. Chiến dịch được xem là đắt giá và ầm ĩ nhất trong lịch sử Mỹ cho một dự luật ở cấp tiểu bang.
Bản thân tôi cũng tham gia chiến dịch này để chống dự luật số 8 (tức là ủng hộ hôn nhân đồng tính). Ngoài việc góp tiền, tôi còn tham gia phát tờ rơi, dán băng rôn, cắm bảng hiệu vận động. Mùa bầu cử, khắp nơi đầy khẩu hiệu băng rôn, các ngã tư cũng đầy các tình nguyện viên giơ cao khẩu hiệu của họ và tôi cũng nằm trong số đó.
Ngày bầu cử năm 2008, tôi xin nghỉ làm một ngày để tham gia vận động. Tôi được phân công cùng một nhóm đứng ở phòng bầu cử, vốn là một trường trung học cơ sở. Theo luật, mọi sự vận động bầu cử phải đứng cách phòng phiếu 100m, nên chúng tôi phải đứng dưới mưa, cầm bảng hiệu.
Các bậc cha mẹ lái xe đưa con đi học gặp chúng tôi vận động cho hôn nhân đồng giới. Nhiều người lắc đầu, kẻ lại reo hò ủng hộ, nhưng bọn trẻ thì đều vỗ tay đồng ý. Có người đứng lại hét những lời xúc phạm tới người đồng tính, mặc dù là rất nhiều tình nguyện viên ủng hộ hôn nhân đồng tính là người dị tính. Có người lại mua cà phê tới cho chúng tôi uống cho bớt lạnh giá.
Ngày hôm đó cực kì căng thẳng. Cảnh sát đến trông chừng chúng tôi mấy lần vì sợ bạo loạn nổ ra. Kết quả là phe ủng hộ hôn nhân đồng tính thua, nhưng họ chỉ đi về, biểu tình và tìm cách khác.
Ít năm sau, phe đồng tính nộp đơn kiện lên toà án liên bang rằng điều luật sửa đổi hiến pháp số 8 của Cali là không hợp hiến. Xin nói thêm rằng ở Mỹ, hiến pháp liên bang là cao nhất. Nếu tiểu bang có điều luật không phù hợp với hiến pháp liên bang thì ai bị ảnh hưởng bởi điều luật đó đều có thể khởi kiện.
Sau mấy năm thì vụ kiện đó lên tới toà tối cao Mỹ và toà phán quyết rằng điều luật số 8 của Cali là không hợp hiến. Cali lại cho kết hôn đồng tính từ tháng 6 năm 2013.
Trong khi đó, rất nhiều tiểu bang đã thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính bằng điều luật của quốc hội tiểu bang, bằng cách sửa đổi hiến pháp tiểu bang hay bằng cách thưa kiện luật pháp tiểu bang là không hợp hiến.
Đến năm 2015, đã có 37 tiểu bang cho phép người đồng tính kết hôn. Những người đồng tính ở các tiểu bang không được phép kết hôn lại thưa ra toà liên bang rằng việc cấm đoán là không hợp hiến.
Điều sửa đổi hiến pháp thứ 14 của Mỹ nói rằng: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau". Hôn nhân được xem là một quyền cơ bản của con người và không cho phép hai người cũng giới tính kết hôn tức là đối xử với các công dân khác biệt vì lí do giới tính - một điều vi phạm hiến pháp.
Kết quả như mọi người đã biết. Thật ra nước Mỹ chỉ là quốc gia thứ 21 cho phép kết hôn đồng tính. Những lo sợ về hậu quả của việc này tới nay có vẻ như hoàn toàn vô lý.
Canada, Hà Lan, Pháp, Anh, Thụy Điển, Bỉ, Na Uy, Tây Ban Nha, Nam Phi và nhiều nước khác đã cho phép kết hôn đồng tính hơn chục năm nay, nhưng những nước đó không gặp phải những hậu quả tưởng tượng của phe chống hôn nhân đồng giới.
Ví dụ như, tỉ lệ sinh và kết hôn dị tính ở các nước đó vẫn không bị ảnh hưởng. Cũng chẳng có cuộc bạo loạn nào và các nước đó vẫn ổn định. Không có ai phàn nàn rằng các cuộc hôn nhân dị tính bị ảnh hưởng bởi các cuộc hôn nhân đồng tính. Trẻ con cũng không bị ảnh hưởng, và cụ thể là các nghiên cứu cho thấy trẻ con được nuôi bởi gia đình đồng tính cũng bình thường mà thôi.
Dù sao đi nữa thì người đồng tính ở Mỹ cũng rất mừng. Người dị tính cũng vui vẻ không kém, bởi họ tin rằng nước Mỹ phải có sự bình đẳng và hôn nhân đồng tính là một phần của sự bình đẳng đó. Hôm thứ sáu, sau khi toà tối cao ra phán quyết buổi sáng, cả sở làm nơi tôi làm đều vui vẻ bàn tán và thi nhau chúc mừng các nhân viên đồng tính.
Mọi người ở khắp nơi trên thế giới cũng chúc mừng. Có lẽ họ cũng hiểu rằng, chiến thắng cho bình đẳng của một nhóm người ở một đất nước là chiến thắng của mọi người.
>> Xem thêm: 'Việt Nam nên thừa nhận quan hệ đồng giới'
Chỉ loài người mới kỳ thị đồng tính |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống, xã hội tại đây.