4h sáng, tôi vẫn không ngủ được vì một số bài viết nói về việc từ thiện ở các vùng miền núi. Tôi thấy thương các em nhiều, nhận được bao nhiêu đâu, nhiều thì mỗi đứa được cái áo ấm cũ, đứa nào may thì được áo ấm mới, đôi tất hay cái mũ để đội, có đứa chạy đến là lúc phát xong rồi.
Quần áo ấm từ thiện nhiều đồ cũ, cái dầy cái mỏng có phải gì ghê gớm mà người nói các em này kia. Nào là biết tiếng Anh nên các em xin được nhiều tiền, ở bản người dân không có chuyện thiếu áo ấm, cho tiền chúng bỏ học đi uống rượu...
Họ chỉ đi loanh quanh được vài vòng thị trấn Sa Pa và vài điểm thăm quan du lịch thấy vài đứa trẻ xin tiền của Tây mà có thể khẳng rằng tất cả trẻ dân tộc thiểu số bỏ học đi xin tiền. Tôi ở đây 24 năm trời mà chưa chứng kiến qua, nói chi người ở đâu lại nói được như vậy.
Tại sao chỉ vì cái áo ấm và vài cái kẹo thi thoảng mới được cho mà sao các em khổ thế. Nhiều bạn không đi thực tế đừng tự nhận xét rồi chê bai các em ở đây. Nếu các bạn muốn biết thì thử đi đến những nơi vùng sâu một lần, đừng ngồi ở nhà mà bảo các em ở đây nói tiếng Anh kiếm tiền của Tây nên không cần đồ ủng hộ mà chỉ giả vờ.
Các bạn hãy đi thực tế đi. Tôi chỉ sợ các bạn đi một lần sau không dám đi nữa chứ đừng nói các em không khổ.
Tôi đã từng viết bài nói rằng người thích xem tuyết không có lỗi. Tuyết là một hiện tượng tự nhiên không phải muốn là có và không muốn là không có. Dù có thích hay không thích thì vẫn tuyết rơi, quan trọng là khi chúng ta thương thì chúng ta hành động, giúp đỡ.
Tôi không muốn các bạn hiểu sai ý của bài viết để bỏ đi việc làm tình nguyện. Thói quen uống rượu của người đàn ông vùng cao là khá phổ biến. Họ còn có thói quen đánh vợ nữa, chính điều đó khiến cuộc sống khó khăn lại càng khổ hơn.
Ở Sa Pa có rất nhiều thôn nghèo như: San Sả Hồ, Má Cha - Tả Phìn và nhiều thôn khác nữa, họ trồng lúa, nuôi lợn, không uống rượu nhưng vẫn rất nghèo.
Người ta nói không có gì bằng điện, đường, trường, trạm. Đường sá ở các vùng Sa Pa nhiều nơi đi lại khó khăn, đường đến trường các thầy cô phải đi bộ hàng hai tiếng mới đến nơi, rồi lại đi bộ về. Nhiều nơi điện không có, nguồn nước sạch cũng không, thử hỏi sẽ làm giàu bằng cách nào?
(Xem thêm: Đừng ngồi trong phòng sưởi mà nghi ngờ trẻ em vùng sâu Sa Pa)
Sa Pa không nhỏ như mắt chúng ta nhìn thấy, có rất nhiều xã mà ngay cả tôi sống 24 năm cũng chưa đi hết các điểm thôn.
Còn vô vàn các bé nhà cách trường rất xa, đi bộ hàng tiếng đồng hồ, vậy đoàn từ thiện nào dám vác bộ vào để nói là thường xuyên được ủng hộ. Tôi có danh sách tất cả các điểm trường ở Sa Pa. Cứ một điểm trường chính dễ vào là có tới 4, 5 điểm trường phụ khó đến hoặc không vào được đối với các đoàn.
Nếu là bạn lên Sa Pa ủng hộ chắc chắn bạn cũng chỉ lựa chọn điểm xe ôtô hoặc xe máy vào được. Vậy 10 điểm trường vào được thì có 40 điểm trường rất ít hoặc không có đoàn từ thiện vào, vậy cơ sở gì để nói các bé được cho thường xuyên?
Ở Sa Pa nhiều nơi còn nghèo lắm, nhiều hộ chỉ ăn cơm trắng bữa nhịn bữa no. Các bạn làm tình nguyện hãy chịu khó vào thôn bản ở nơi xa chia sẻ giúp đỡ dân làng. Bởi các đoàn từ thiện chỉ đi các điểm gần nếu có xa cũng chỉ vào điểm trường chính.
Ở vùng sâu Sa Pa có rất nhiều em học rất giỏi nhưng nhà nghèo phải về chăn trâu, làm việc quần quật không có thời gian học. Nhưng điều kỳ diệu đã đến với một vài em khi đoàn từ thiện giúp mỗi tháng cho họ chút gạo và các em lại được đến trường.
Mọi người phát cho mỗi em một cái áo, chúng mặc suốt không thay thì sang năm là rách bỏ đi rồi. Nhiều nơi quần áo mặc trời ẩm ướt nếu không sấy kịp còn không đủ đồ thay, huống chi trên này thường xuyên mưa ẩm, hỏi sao các em được từ thiện mà không đủ áo mặc?
Các bạn đừng ngần ngại, hãy đi và giúp đỡ, không đi không biết đi rồi nước mắt vẫn tuôn rơi.
>> Xem thêm: Sự thật bất ngờ đằng sau những đứa trẻ trần truồng trong rét lạnh ở Sapa
Tranh cãi 'Sa Pa không nghèo, chẳng khổ vì tuyết rơi'
Một thành viên trên mạng xã hội kêu gọi mọi người dừng việc cho tiền, ủng hộ quần áo lên Sa Pa, gây tranh cãi cộng đồng. |