Quý thầy cô kính mến,
Trước thềm năm học mới 2016-2017, không chỉ phụ huynh mà cả thầy cô đều quan tâm đến việc giáo dục con em học sinh mình, làm sao để chúng trở thành người vừa có tài vừa có đức cho xã hội.
Sự thành bại của một người phần lớn phụ thuộc vào nền giáo dục họ thụ hưởng và sự thịnh suy của đất nước, cũng như chất lượng giáo dục của quốc gia ấy. Một nền giáo dục tốt sẽ tạo ra được nhiều người giỏi, từ đó làm nên một đất nước giàu mạnh và văn minh. Bởi thế từ xưa đến nay, chẳng thời nào hay xã hội nào dám coi thường chuyện giáo dục. Làm sao để có một nền giáo dục tốt là nỗi bận tâm của hết thảy mọi người.
Giáo dục không phải là tuyên truyền, nhồi nhét hay áp đặt kiến thức cho người khác, mà là một nghệ thuật khơi dậy ngọn lửa hiếu tri và hướng thượng. Hiếu tri giúp người ta mở ra để chiêm ngắm tất cả thực tại, còn hướng thượng là hướng về chân lý. Đó là hai trục để giữ con người được hạnh phúc bình an.
Truyền đạt kiến thức thôi chưa đủ, mỗi nhà giáo cần giúp cho những chủ nhân tương lai của đất nước có được một nhân cách tốt đẹp. Những gì thầy cô làm và nói sẽ trở thành tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo.
Nelson Mandela từng nói thầy cô là những người có vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Đúng vậy, bằng công việc của mình, chính thầy cô là người quyết định thế giới ngày mai sẽ ra sao. Cả nhân loại đang trao vào tay họ tương lai của mình.
Nếu một thế hệ được giáo dục tốt, phía trước sẽ là ánh mai thật đẹp. Còn không, đó sẽ chỉ có thể là màn đêm u buồn. Nhà giáo dục Plato cũng cho rằng chúng ta có quyền ước mơ thế hệ trẻ trở thành những người tài năng đức độ, những con người có ích cho xã hội. Tương lai tươi sáng của các em phụ thuộc vào từng giờ lên lớp, từng thái độ sống của thầy cô hôm nay, bởi thế, vai trò đó chưa bao giờ bị xem thường hay coi nhẹ.
Học trò cần những thầy cô có kinh nghiệm, hướng dẫn các em đứng trên chính đôi chân của chúng. Bởi như Jean Piaget cho rằng: “Nơi nhà trường, nguyên tắc và cũng là mục tiêu của giáo dục giúp các em có khả năng tạo ra những điều mới mẻ, chứ không lặp lại những gì nhàm chán từ đời này sang đời khác”.
Thầy cô luôn mang trong mình sứ mạng của người đưa đò, giúp các em đến chân trời tri thức và kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân bản và đạo đức hơn. Từ đó, giúp các em có đủ sức mạnh, bản lĩnh để khám phá và dựng xây thế giới.
Mỗi bờ sông mà các em được đưa đến chính là một thế giới đầy tri thức. Quả vậy, trường học không phải là nơi để các em tìm đến những cái xấu. Đó chẳng thể là chỗ để sản sinh những quả tim khô cứng. Nơi mái trường, giáo viên cho các em thấy lẽ sống của cuộc đời.
Sự nghiệp giáo dục có thể không cho thầy cô sự giàu sang phú quý về mặt vật chất, nhưng nó đưa thầy cô đến sự cao cả của tâm hồn. Rồi mai đây, khi nhìn thấy những học trò thân yêu của mình thành công trong cuộc sống, thấy chúng dang rộng đôi tay để xây dựng thế giới này, thầy cô sẽ vui mừng và hạnh phúc biết bao.
Sẽ chẳng có gì sai khi khẳng định thầy cô chính là cha mẹ thứ hai của từng học sinh nhỏ bé đang ngồi trước mắt. Sự nghiệp giáo dục chính là sự nghiệp trồng người, phải vất vả, mệt nhọc lắm, nhưng khi thấy cây lớn lên, đâm cành, sinh hoa, kết trái, sẽ chẳng có một niềm vui nào nhẹ nhàng nhưng thẳm sâu hơn thế. Đào tạo thành công một con người sẽ đưa thầy cô lên một vị trí cao hơn. Tất cả xã hội biết ơn thầy cô chính vì lý do đó.
Kính chúc quý thầy cô giáo một năm học mới thật nhiều sức khỏe, tình yêu và nghị lực để hy vọng qua những nhà giáo tốt lành, mỗi thế hệ học trò trên quê hương đất Việt có thể gieo ánh sáng huy hoàng cho hôm nay và tương lai.
Thân ái.
>> Xem thêm: 'Thần đồng' Đỗ Nhật Nam vừa là thầy giáo, vừa là học trò của mẹ
Video được xem nhiều: Cô giáo đi nhặt đồng nát nuôi chồng bạo bệnh
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.