Trong những ngày qua, diễn đàn nóng lên với việc tìm thủ phạm của tình trạng kẹt xe là do ôtô hay xe máy. Người thì cho rằng ôtô chiếm nhiều diện tích, chiếm hết các làn xe máy. Người thì cho rằng xe máy chạy lộn xộn, tạt đầu, leo vỉa hè, vượt đèn đỏ và cũng chiếm làn của ôtô.
Theo cá nhân tôi, cả ôtô và xe máy đều có hiện tượng chạy ẩu, lấn làn, vượt đèn đỏ.
Nhưng có một vấn đề mà không ai đề cập đến, là hiện nay chỉ những người đi ôtô là lực lượng chủ lực đóng góp cho việc nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông. Còn những người đi xe máy chỉ là đối tượng hưởng thụ, thậm chí còn hưởng thụ nhiều hơn ôtô nhưng không hoặc đóng góp rất ít. Xin dẫn chứng như sau:
Thứ nhất, ngay từ khi mới mua, một chiếc xe ôtô đã gánh rất nhiều khoản thuế và phí. Hiện nay, trung bình thuế và phí của một xe ôtô chiếm từ 60-70% giá trị của xe (nếu xe nhập khẩu dung tích cao có khi lên đến 80%), giá trị của xe ôtô cao nên số tiền thuế và phí thu được rất nhiều. Trong khi xe máy chỉ chủ yếu thu thuế giá trị gia tăng, tiền đóng góp cao lắm cũng chỉ khoảng 15-20% giá trị xe.
(Xem thêm: Cần có phương án bắt buộc ôtô vào nội đô phải đóng phí)
Thứ hai, đối với phí bảo trì đường bộ thì hiện nay cũng chỉ thu được trên phương tiện ôtô thông qua các trung tâm đăng kiểm (vì phải qua đăng kiểm ôtô mới được sử dụng), và mức thu cao; trong khi đó gần như không thu được khoản phí này từ xe gắn máy.
Thứ ba, các dự án thu phí BOT: mở rộng Quốc lộ 1, làm đường tránh trung tâm các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, xây dựng mới đường cao tốc (trong đó có làm thêm đường song hành cho xe gắn máy) đều thu phí của xe ôtô, còn xe máy thì được sử dụng miễn phí.
Thứ tư, về việc xử phạt các xe vi phạm an toàn giao thông, hiện nay công an cũng xử phạt đối tượng đi ôtô là chủ yếu, người đi ôtô có thu nhập, có thể thu tiền phạt nguội thông qua trích xuất hình ảnh vi phạm (khi đăng kiểm hoặc sang nhượng phải nộp).
Trong khi tỷ lệ xe gắn máy vi phạm giao thông gấp nhiều lần ôtô (như các hành vi: chở quá số người quy định, không đội mũ bão hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông; lấn làn; dừng, đậu ở đường cấm; vi phạm về tốc độ...) nhưng do mức thu thấp, đối tượng đa số là dân nghèo hoặc ù lỳ không chịu nộp phạt, kể cả có hình ảnh nhưng do có thể mua bán sang nhượng dễ dàng nên không ai kiểm tra, kiểm soát.
(Xem thêm: 'Giao vỉa hè cho nhà mặt tiền sử dụng là sẽ hết lấn chiếm')
Thứ năm, chỉ có các ôtô tải chở hàng quá tải làm hư hỏng đường, còn xe máy khi kẹt đường thì cứ phi lên vỉa hè làm hư hỏng hạ tầng, tốn kém chi phí sửa chữa, thay thế và gây mất mỹ quan đô thị.
Do vậy, để công bằng trong việc đóng góp và sử dụng hệ thống đường giao thông, phải cần thiết thu thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc các khoản phí khác đối với xe gắn máy ở một mức cao hơn hiện nay, giúp ngân sách có nguồn thu để cải thiện hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, việc thu phí cao như vậy sẽ góp phần hạn chế phát triển số lượng xe máy ở các thành phố lớn (nếu chi phí thấp người dân sẳn sàng bỏ tiền ra mua, còn phí cao họ sẽ tính toán lại để sử dụng phương tiện công cộng hoặc dùng xe đạp) dẫn đến "giảm nhiệt" nạn kẹt xe như hiện nay.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.