Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress quan điểm về học vị tiến sĩ tại Mỹ.
Thời gian gần đây, những chỉ trích về các lò đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam diễn ra không ít. Từ trước đến nay, học vị tiến sĩ vẫn là cao nhất, nhưng nó có nghĩa gì?
Trước hết, hãy so sánh bằng con số. Việt Nam có khoảng 90 triệu dân và có 24.000 tiến sĩ. Mỹ có 322 triệu dân, và họ có 3.609.000 tiến sĩ, chưa kể tới 3.365.000 các tiến sĩ chuyên nghiệp.
Các tiến sĩ chuyên nghiệp gồm có bác sĩ - tiến sĩ y khoa, dược sĩ - tiến sĩ dược khoa, nha sĩ - tiến sĩ nha khoa và luật sư - tiến sĩ luật khoa. Đây là những ngành nghề bắt buộc phải học theo lộ trình hậu đại học, gồm 4 năm đại học, 3 năm chuyên ngành và thêm phần thực tâp, bên cạnh đó, bạn phải thi thêm để lấy bằng hành nghề. Ở Việt Nam cũng có các ngành nghề này, nhưng bằng cấp thì không phải là tiến sĩ.
Như vậy, số tiến sĩ ở Mỹ khoảng 1,12% dân số, trong khi số tiến sĩ ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,027%. Tỷ lệ tiến sĩ ở Việt Nam là rất thấp so với Mỹ.
Mỹ có nền giáo dục phát triển và họ có nhiều tiến sĩ là đương nhiên, nhưng tính theo bình quân đầu người thì số tiến sĩ ở Mỹ phải gấp 41 lần số tiến sĩ ở Việt Nam. Sự chênh lệch này có thể nói lên một điều: con số 24.000 tiến sĩ ở Việt Nam thật ra chưa có gì là lạm phát.
Cái lạm phát có lẽ là nội dung của các đề tài nghiên cứu tiến sĩ và thái độ của người dân đối với học vị này. Sự thiếu hiểu biết của nhiều người về tính chất của học vị tiến sĩ càng đáng báo động hơn. Tiến sĩ ngày nay khác với 130 trăm năm trước, khi Nguyễn Khuyến làm bài thơ "Tiến sĩ giấy".
Tiến sĩ chỉ đơn giản là một người học xong đại học, được nhận vào làm nghiên cứu sinh, chọn một đề tài, tham gia nghiên cứu, rồi viết luận án và bảo vệ... vậy là đã có một tiến sĩ. Một tiến sĩ sẽ có trình độ chuyên sâu về một ngành nhất định. Quan trọng hơn là họ có khả năng nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo trong ngành nghề đấy.
Các trường đại học có chương trình nghiên cứu tiến sĩ được cấp phép, và họ phải có đủ cơ sở vật chất, cũng như đủ giáo sư trình độ và kinh nghiệm để giúp đỡ nghiên cứu sinh.
(Xem thêm: Việt Nam từng có nhiều bài toán 'làm khó cả tiến sĩ')
Quá trình làm nghiên cứu sinh cũng rất tốn thời gian, chủ yếu là để họ có đủ thời gian để thí nghiệm, thực nghiệm các ý tưởng của mình.
Các nghiên cứu sinh, trước khi thành tiến sĩ thường đã viết được vài bài báo cho các tạp chí chuyên khoa. Vì vậy nên ngày nay ta có tiến sĩ côn trùng học, tiến sĩ kĩ sư hệ thống, tiến sĩ tâm lí học, tiến sĩ văn khoa, tiến sĩ lịch sử và rất nhiều chuyên ngành khác.
Các vị tiến sĩ này đều có "bằng thực", có thừa năng lực theo tiêu chí được công nhận tiến sĩ, nhưng yêu cầu họ đi tìm nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt trên biển thì thật vô duyên. Đừng bảo là đấy là không phải chuyên môn của họ, mà các tiến sĩ hóa học, tiến sĩ sinh học đâu phải ai cũng có thể xông vào tìm nguyên nhân cá chết.
Lúc công ty BP gây ra thảm họa tràn dầu ở vịnh Florida, chính phủ Mỹ đã rất tích cực tìm cách làm ngưng dòng chảy, cũng như dọn dẹp dầu tràn, cứu hộ động vật... Lúc bấy giờ, tôi đang làm việc cho một công ty hóa chất. Xung quanh tôi, rất nhiều tiến sĩ kỹ sư hoá, tiến sĩ kỹ sư môi trường, nhưng họ đâu có đi giúp dọn dẹp và xử lí thảm họa tràn dầu. Đấy không phải là việc của họ, nếu họ xông vào trong khi không được nhà nước yêu cầu, không được công ty hướng dẫn thì chỉ gây hại.
Mặt khác, các công trình nghiên cứu tiến sĩ cũng phải tùy thuộc vào chuyên ngành mà đánh giá.
Các tiến sĩ côn trùng học có thể nghiên cứu tập tính giao phối của một loài nhện - một công trình chắc sẽ khiến nhiều người chê cười về mức độ vô ích của nó. Thế nhưng, chính những kiến thức nhỏ nhặt đó sẽ giúp cho con người ở những góc độ ít ngờ tới. Ví dụ như, nghiên cứu cấu trúc cánh chim có thể ứng dụng cho thiết kế cánh máy bay.
Trong ngành kỹ sư, tôi đã từng được dạy rằng nên bắt chước thiên nhiên, bởi những thứ được thiết kế tốt thì còn sống, còn mấy thứ thiết kế không tốt thì đã thành hóa thạch hết rồi.
Còn các công trình nghiên cứu khoa học xã hội như nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu hành vi, tập quán đều có giá trị nhất định. Các nghiên cứu ngôn ngữ có thể giúp chúng ta hiểu được quá trình tiến hóa của ngôn ngữ và từ đó chỉ ra được những tập tính ngôn ngữ - vốn có ứng dụng rất cao trong lí luận và ảnh hưởng quần chúng.
Trong ngành luật chẳng hạn, chúng tôi phải học rất nhiều về cấu trúc câu, cách nhấn giọng và cách kể chuyện, những thứ tưởng chừng vô ích nhưng lại rất quan trọng trong quá trình tranh tụng.
Các nghiên cứu về hành vi xã hội như nịnh hót cũng rất quan trọng, nó chỉ ra cách người ta tương tác trong một xã hội. Ở một số công ty, các nhân viên sang nước ngoài làm việc phải học lễ phép và văn hóa nước đó, bao gồm cả cách chào hỏi và khen tặng người khác... để có thể thành công trong công việc.
Những kiến thức ấy không phải tự nhiên mà có. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, bao gồm các tiến sĩ đã phải nghiên cứu rất nhiều mới rút ra được cái gì nên học.
(Xem thêm: Tại sao cử nhân, thạc sĩ Việt Nam thất nghiệp nhiều?)
Số lượng tiến sĩ và tính thực tiễn của các công trình nghiên cứu không phải là vấn đề nghiêm trọng trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Điều đáng quan tâm hơn là chất lượng của các công trình đấy. Các thí nghiệm được tiến hành thế nào? Dữ liệu thu thập có khách quan không? Quá trình phân tích dữ liệu có tốt không? Các kết luận rút ra có phù hợp với dữ liệu không? Quan trọng nhất là liệu các nghiên cứu sinh có chế tạo số liệu hay không? Và liệu có chuyện nghiên cứu sinh thuê hay không?
Hầu hết các tiến sĩ ngày nay đều không thể cáng đáng công việc lập pháp, hành pháp hay là "làm giàu cho đất nước". Do quá trình đào tạo chuyên sâu, các tiến sĩ chỉ có thể nghiên cứu một chuyên môn nhất định mà thôi.
Việc lập pháp hành pháp thì một số tiến sĩ có thể làm được, nhiều tiến sĩ sẽ không làm được, và những người làm được cũng chưa chắc là tiến sĩ.
Học vị tiến sĩ cũng chỉ là chìa khóa, nó có thể mở được một vài ổ khóa chứ không phải mọi ổ khóa. Ngay cả khi cánh cửa đã mở, thì học vị tiến sĩ cũng không có giá trị gì khi người cầm nó không biết cách dùng những cơ hội mở ra trước mắt họ.
>> Xem thêm: Có bằng tiến sĩ nhưng thất nghiệp vì chỉ muốn lương cao
'Thông tin mỗi ngày cho ra lò một tiến sĩ là quá phiến diện'
Ai từng làm nghiên cứu sinh mới hiểu được gian nan, nếu bạn gặp được người hướng dẫn giỏi, có tâm huyết thì còn dễ thở, nếu không thì lâu lắm mới lấy được bằng. |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống, giáo dục tại đây.