Bài chia sẻ "Về Việt Nam, tôi thấy mọi người tốn nhiều tiền ra hàng ăn sáng" của chị Ngọc Anh có ý tốt, nhằm khuyên mọi người điều chỉnh thói quen chi tiêu và thói quen sinh hoạt, giúp tiết kiệm và cải thiện tình cảm gia đình. Tôi thấy đó là điều đáng quý, tuy nhiên đặt vào hoàn cảnh Việt Nam, tôi thấy khó phù hợp. Chị Ngọc Anh đưa ra ba luận điểm để bảo vệ quan điểm của mình. Tôi xin nêu ý kiến cá nhận với từng luận điểm như sau:
Thứ nhất, chị nói rằng ăn sáng ở nhà là tiết kiệm. Tôi rất đồng tình rằng dù ở lứa tuổi nào, mức thu nhập bao nhiêu thì mỗi người cũng nên ít nhiều tiết kiệm. Tuy nhiên, tôi nghĩ để tiết kiệm mà ngày nào cũng diễn đi diễn lại một món là điều không nên.
Như trường hợp của chị ăn bánh mỳ với mứt (hoặc có thể là bơ hay bất cứ đồ ăn công nghiệp nào) là một việc rất có hại cho sức khoẻ. Nếu đã từng tự tay làm mứt, chúng ta sẽ biết rằng thành phần chủ yếu của nó là đường. Bản thân hoa quả để làm mứt cũng đã chứa đường, nên nó vô cùng có hại cho sức khoẻ.
Bánh xèo Bỉ tôi không biết có phải chị đang nói đến Waffle không. Nếu là nó thì, thời gian ở Bỉ tôi đã được người bản địa làm cho. Nó béo ngậy với thành phần cũng từ đường. Không chỉ vậy khi ăn còn rưới thêm sôcôla, đường trắng và các đồ trang trí ngọt lên trên nên tôi không đánh giá cao về mặt sức khoẻ.
(Xem thêm: Lương 25 triệu chỉ tiêu vặt 1 triệu đồng mỗi tháng)
Ăn nhiều đường trong một thời gian dài sẽ gây tiểu đường, béo phì, suy gan thận. Phụ nữ càng không nên ăn vì nó sẽ phá huỷ cấu trúc da, khiến da nhanh chảy xệ. Hệ quả của chế độ ăn này, chị cứ so phom dáng người châu Á và châu Âu ở tuổi 40, 50 sẽ thấy sự khác biệt.
Họ sống lâu hơn ta vì vệ sinh an toàn tốt, tai nạn ít, an sinh xã hội cao. Còn chế độ ăn, tôi nghĩ họ cần học người châu Á nhiều. Vì lý do này, tôi không cổ xuý cho sự tiết kiệm mà chị Ngọc Anh đưa ra dù là chỉ trong phạm vi gia đình chị. Tôi chân thành góp ý với chị nên thay đổi chế độ ăn một chút để vừa tiết kiệm lại vừa đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho các thành viên.
Thứ hai, tôi dĩ nhiên không ấu trĩ đến mức nghĩ rằng chị đang khuyên mọi người nên ăn bánh mỳ với mứt hàng ngày. Ý của chị có thể là khuyên mọi người nên tìm một món dễ làm để hàng ngày có thể làm nhanh được, phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Tuy nhiên muốn nhanh thì chỉ có đồ ăn công nghiệp như nhà chị, điều mà ở Việt Nam, tôi nghĩ khó có ai có thể chấp nhận ăn hàng ngày.
Muốn làm một bữa sáng, dù có đơn giản đến mấy, người chuẩn bị (thường là phụ nữ) cũng phải hoặc thức khuya chuẩn bị từ hôm trước, hoặc dậy từ sớm, vì nấu xong còn phải dọn dẹp, tắm rửa, gội sấy chứ không thể cứ toàn mùi dầu mỡ vậy mà đi làm được, trong khi hoạt động nào ở Việt Nam cũng bắt đầu từ sáng sớm.
Với cá nhân tôi mà nói, thời buổi giải phóng phụ nữ mà bắt họ dậy sớm chuẩn bị cơm nước thì tôi không tán thành. Đơn giản đặt trường hợp là mẹ tôi, tôi cũng không muốn bắt mẹ phải dậy sớm làm đồ ăn cho mình. Vì mẹ đi làm và lo nhưng việc khác (dù chúng tôi có giúp đỡ) cũng đã quá vất vả rồi. Còn với những chị em thích dậy sớm và coi chuẩn bị cơm sáng cho nhà là niềm vui thì tôi không dám có ý kiến.
(Xem thêm: Lương 150 triệu nhưng chỉ tiêu 3 triệu tiền ăn mỗi tháng)
Thứ ba, ăn sáng cùng nhau, cha mẹ có thể nói chuyện chia sẻ cùng con, củng cố tình cảm gia đình. Tôi nghĩ điều này cũng tuỳ. Trẻ con nhỏ thì có nhu cầu nói chuyện với cha mẹ, chứ lớn ở tuổi dậy thì hoặc sau đó rồi thì không còn như vậy. Ngày học cấp hai, cấp ba, tôi thường tự mua đồ ăn sáng mang đến lớp ăn cùng bạn. Vừa ăn chúng tôi vừa nói chuyện hoặc cùng nhau truy bài. Tôi thấy vui, vì ở tuổi đó tôi có nhu cầu chia sẻ với bạn bè nhiều hơn là với cha mẹ.
Với gia đình, không nói được vào lúc ăn sáng thì tôi nói vào lúc ăn tối, ăn trưa. Chưa kể là cách nói chuyện của cha mẹ cũng tác động ít nhiều đến việc đứa trẻ cảm nhận thế nào. Nếu nó được ăn một bữa sáng mẹ tự tay nấu, nhưng lúc ăn lại đề cập đến việc học hành, thi cử, phải làm thế này thế kia thì tôi nghĩ nó chắc sẽ muốn ăn ở ngoài hơn là ở nhà.
Ngoài ra, tôi cũng nghĩ, ăn sáng không phải chỉ là để no, mà ở Việt Nam nó còn là một hoạt động giao lưu văn hoá. Sáng ra ngõ ăn gặp người này người kia, hỏi thăm một câu để tăng tình làng nghĩa xóm là điều vô cùng nên làm. Nơi tôi sống lâu năm (Nhật Bản), tôi hầu như chả biết hàng xóm của mình là ai. Không phải bởi vì tôi là người nước ngoài nên ít kết giao, mà người bản địa cũng không biết, hoặc không có nhu cầu biết về hàng xóm của mình.
Ở Việt Nam thì không như vậy. Tình làng nghĩa xóm vẫn là điều mà bạn cần có. Đơn cử như mất điện nhà không có nến có thể chạy sang hàng xóm xin, đi làm về muộn hết gạo có thể qua vay hàng xóm một bát tạm. Ngồi ăn cùng hàng xóm bát bún cũng có thể nghe đôi ba câu chuyện, biết được hoàn cảnh mỗi người quanh mình để đối xử cho phải lẽ thì tôi nghĩ cũng là điều tốt.
Chia sẻ bài viết về chi tiêu, sinh hoạt của bạn tại đây.
Dưới đây tôi xin chia sẻ một chút về gia đình mình. Với gia đình người khác tôi không biết thế nào, còn nhà tôi thì mẹ tôi nấu ăn khá... dở. Mẹ là giáo viên nên ngoài dạy chính mẹ phải dạy thêm, dạy trung tâm. Hầu như mẹ tôi chẳng ở nhà bao giờ để chuẩn bị cơm nước chu đáo cho gia đình tôi.
Bố tôi thì ngược lại, ông nấu ăn rất giỏi. Do hoàn cảnh gia đình như vậy nên tôi và em gái tôi nấu ăn cũng khá ngon. Bố tôi rất khó tính chuyện ăn uống. Ông luôn muốn ăn ngon, nhưng thay vì yêu cầu mẹ nâng cao tay nghề, ông luôn tự nấu.
Gia đình tôi luân phiên nhau, ai rảnh hôm nào thì nấu hôm đó. Thằng em út của tôi khá kén ăn, nó cũng hay càu nhàu mẹ nấu dở, nhưng bố tôi luôn nói với nó là nếu không thể tự nấu ăn thì đừng cằn nhằn và đừng bắt người khác phải phục vụ mình. Bố tôi luôn làm gương cho nó. Ông nấu những khi có thể và ăn xong còn tự rửa chén, sau đó mới ra ngoài ngồi uống nước.
Mẹ tôi giờ đã về hưu. Ở tuổi 60, sáng không thể ngủ được nhiều, cũng không bận bịu công việc nên bà cũng nâng cao được tay nghề nấu ăn. Tuy giờ hoàn toàn có thời gian chuẩn bị bữa sáng tươm tất cho cả nhà, nhưng bố tôi vẫn nói với mẹ tôi rằng, bà không cần phải làm như vậy. Tuy bố tôi luôn ăn sáng ở nhà nhưng ông luôn tự chuẩn bị đồ ăn cho mình và mẹ. Còn chúng tôi thì luôn ăn ở ngoài, đôi khi mua về rồi ăn cùng bố.
(Xem thêm: Lương 20 triệu nhưng tiêu gần 30 triệu đồng)
Mẹ tôi bắt đầu học đàn và tập làm thơ, những điều trước đây bà chưa thực hiện được vì bận bịu lo cho gia đình. Bố tôi luôn cổ vũ và bảo nếu thích bà cứ giành thời gian cho sở thích. Cơm nước thì đơn giản cũng được. Nếu thích cầu kỳ thì bảo bố và các con cùng nấu, còn không thì thôi.
Thằng em út của tôi đi học đại học xa nhà. Bố tôi chỉ cho nó đủ tiền để ăn ở nhà nên nó phải tự nấu ăn. Sau một vài năm vật lộn để cân bằng học tập, bạn bè với việc nấu cơm, dọn dẹp, hình như nó đã nhận ra mình đã không phải với mẹ. Nhiều lần mẹ tôi nhắn tin hỏi nó về muốn ăn gì để nhà nấu, nó xuề xoà bảo gì cũng được, không cần bày vẽ đâu, chỉ là việc ăn thôi mà, sao phải lo hả mẹ.
Sau bao nhiêu năm sống dưới mái nhà không có cơm sáng ăn cùng nhau tôi nghĩ điều đọng lại trong tôi là những niềm vui khi sáng sáng được tự chọn món ăn cho mình bằng số tiền mẹ cho, dù là ít ỏi. Tôi học được cách chủ động với lựa chọn của mình, đôi khi như bao cô cậu trò nhỏ khác tôi cũng nhịn ăn sáng tiết kiệm tiền mua cái này cái kia. Việc nhỏ đó cũng dạy tôi nhiều điều về đồng tiền trong cuốc sống này.
Còn về tình cảm với gia đình, tôi ít khi được mẹ chuẩn bị bữa tối chứ đừng nói đến bữa sáng, nhưng tôi không nghĩ điều đó ảnh hưởng đến tình cảm tôi dành cho mẹ. Bố tôi cũng đôi khi ngồi ăn sáng cùng, nhưng chúng tôi hầu như không nói chuyện với nhau mấy.
Chưa một lần tôi nghe bố hỏi hôm nay con thế nào, hay bố yêu con, hay chúc con một ngày tốt lành, nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được tình yêu của bố, mỗi khi nhìn thấy ông nhễ nhại mồ hôi đứng dưới nắng chờ đón tôi, hay cặm cụi lúc đêm khuya là cho tôi bộ đồng phục những hôm trời mưa chờ mãi mà không khô kịp. Tôi luôn hiểu và trân trọng những điều cha mẹ đã dành cho mình, dù chúng tôi chẳng mấy khi có những bữa sáng cùng nhau.
>> Xem thêm: 'Lương 7,5 triệu vẫn mua 1 chỉ vàng: cuộc sống đày ải'