Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết: "Người hâm mộ nên thay đổi cách cổ vũ đội tuyển Việt Nam". Thứ nhất, bạn cho rằng, nên thay khẩu hiệu cổ vũ “Việt Nam vô địch” bằng các khẩu hiệu như “Việt Nam cố lên” hay “Việt Nam chiến thắng”. Vì theo bạn, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc không cổ vũ đội bóng của họ theo khẩu hiệu đó bao giờ. Bạn cho rằng như thế là “làm trò cười” thiên hạ. Nhưng rõ ràng, bạn và một số người khác mới chỉ nhìn thấy có một khẩu hiệu đó thôi.
Trên thực tế, người hâm mộ bóng đá Việt Nam luôn cổ vũ đội bóng với nhiều khẩu hiệu khác nhau như: Tiến lên Việt Nam; Việt Nam chiến thắng; cố lên Việt Nam hay nhiều băng rôn độc lạ khác. Cổ động viên cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích và đặc biệt là cho đội tuyển của nước nhà thi đấu thì có muôn vàn kiểu khác nhau chứ đâu phải từ mấy câu khẩu hiệu. Vì đó là quyền của mỗi người.
Chúng ta đâu cần để ý xem các cổ động viên của Nhật Bản hay Hàn Quốc cổ vũ cho đội bóng của họ bằng những khẩu hiệu nào. Vì chúng ta là người Việt Nam, chúng ta có cách cổ vũ riêng, có những khẩu hiệu riêng mang bản sắc, tinh thần riêng của người Việt Nam.
Thứ hai, bạn cho rằng “nếu đội tuyển thua thì cứ thừa nhận thực tế yếu chứ đừng đổ lỗi do thiếu may mắn hoặc thậm chí tự sướng. Việt Nam vẫn vô địch, vẫn chiến thắng trong lòng người hâm mộ và đó chỉ là cách ngụy biện”. Có lẽ bạn và một bộ phận cổ động viên có quan điểm như vậy hơi khắt khe với người hâm mộ chân chính của bóng đá Việt Nam.
Trong lòng người hâm mộ, không có chiếc cúp vàng nào giá trị bằng lòng tự hào dân tộc khi các cầu thủ đã chiến đấu hết mình dù có phải đổ máu trên sân cỏ, dù sức cùng lực kiệt vẫn lao vào bảo vệ khung thành đội nhà. Những chiến tích lịch sử mà các cầu thủ đã làm được xứng đáng để tôn vinh, xứng đáng để ghi vào sử sách thể thao nước nhà.
Các bạn hãy nhìn ra thế giới, xem những cổ động viên của Iceland đã chào đón các cầu thủ như “những người hùng của đất nước” khi đội bóng của họ vào tứ kết Euro 2016, hay gần nhất là những người dân Nga tự hào như thế nào về đội bóng của họ khi vào tứ kết World cup 2018; người dân Bỉ, người dân Croatia đã đổ ra đường chào đón các cầu thủ như những “anh hùng dân tộc” trở về quê hương sau khi đội bóng của họ giành HCĐ và HCB.
Có lẽ sẽ hơi khập khiễng khi so sánh đội tuyển Việt Nam với những anh hào bóng đá thế giới. Nhưng với hơn 90 triệu người dân Việt Nam thì một đội bóng nhỏ bé như chúng ta lần lượt giành ngôi Á quân U23 châu Á và hạng tư Asiad 18 chẳng phải là đáng tự hào lắm sao.
Quy mô và đẳng cấp có thể khác, nhưng niềm hạnh phúc, niềm tự hào về đội bóng của mình, về các cầu thủ của mình thì có gì khác nhau đâu. Vậy mà, thay vì ghi nhận những cố gắng tột cùng của các cầu thủ, của ban huấn luyện đội tuyển, một bộ phận cổ động viên đã không tiếc lời chỉ trích họ khi thua ở trận bán kết gặp Hàn Quốc và trận tranh HCĐ với UAE. Những cổ động viên chân chính của bóng đá nước nhà không bao giờ hành động như vậy.
Những cổ động viên chân chính là những người luôn dõi theo từng trận đấu của đội tuyển, luôn ở bên cạnh đội tuyển để tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho các cầu thủ. Thắng hay thua còn do nhiều yếu tố quyết định, nhưng quan trọng nhất, các cầu thủ luôn chiến đấu hết mình vì người hâm mộ, vì màu cờ sắc áo của tổ quốc.
Tôi tin rằng, những cổ động viên quá khích không đại diện cho điều gì cả mà hàng triệu người hâm mộ chân chính luôn cổ vũ đội tuyển bằng tình yêu chân thành của mình mới là đại diện cho cả dân tộc. Tình yêu đó chính là nguồn động lực, là sức mạnh giúp cho các cầu thủ cố gắng hơn nữa, tự tin hơn nữa để làm nên những thành tích đáng tự hào hơn nữa cho nền bóng đá nói riêng, cho nền thể thao nước nhà nói chung.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.