Đã bao nhiêu năm nhân viên cây xăng ở Việt Nam vẫn cho chúng ta cảm giác sống ở thời bao cấp. Mặc cho các ngành khác thay đổi tác phong thì cách phục vụ của nhân viên xăng dầu vẫn nguyên kiểu truyền thống: Khách vào cây xăng, nhân viên chỉ ôm vòi đưa vào bình rồi bóp cò. Họ đổ xong rồi rút vòi ra và đếm tiền, chẳng nói gì đến lời cảm ơn.
Cải cách mang tính "cách mạng" nhất gần đây là việc nhân viên thêm động tác chỉ trỏ. Trước khi đổ, nhân viên chỉ lên bảng điện tử, khi rút vòi ra lại chỉ thêm lần nữa cho khách biết rồi mới thu tiền.
Có lẽ vì thành phố quá đông đúc, nhân viên bán xăng luôn trong tình trạng làm không ngơi tay. Mỗi lượt giao dịch với khách hàng không quá một phút, đã tạo ra áp lực khiến họ phải rút ngắn thao tác để khách không phải chờ. Dường như với nhân viên bán hàng, họ cũng chỉ làm đến thế là hết khả năng.
Tuy nhiên, nếu muốn cải tiến không phải không có cách, mà quan trọng họ có muốn làm hay không. Điều này phải bắt đầu từ người quản lý, chứ không riêng gì nhân viên bán hàng. Họ chỉ cần chú ý đến những khó khăn của khách hàng để hỗ trợ kịp thời là đã gây được ấn tượng tốt cho khách.
(Xem thêm: Nhân viên cây xăng ném thùng hàng vào khách vì bị tố gian lận)
Tôi ví dụ, tại những cửa hàng đông đúc thì nên thêm nhân viên điều tiết xe ra vào, hướng dẫn khách vào vị trí đang trống để khỏi chen lấn, sắp xếp hướng dẫn khách hàng đậu xe ngay ngắn để có thể phục vụ nhanh nhất.
Người này cũng phải biết ý hỗ trợ khách hàng chở hàng nặng, phụ nữ chở con cái xoay sở khó khăn... hay đơn giản khi chẳng có gì phải làm thì đứng chào khách thay cho những nhân viên bán hàng bận rộn.
Còn những cửa hàng không quá đông đúc thì nhân viên cần giao tiếp, chào hỏi hỗ trợ trực tiếp cho khách là được.
Bao năm rồi những thứ đó khách hàng không hề biết tới. Nhân viên bán hàng nói chuyện với khách hàng gần như là mệnh lệnh, cụt lủn, không chủ ngữ. Nhiều khi họ còn gắt gỏng khi khách không kịp nghe. Cũng có khi họ mải tán chuyện với nhau mà không thèm nhìn mặt khách hàng khi phục vụ.
Khách hàng Việt Nam chắc hẳn cũng đã quá quen đến nỗi mặc định nghề bán xăng là chỉ như thế.
(Xem thêm: Nữ khách buộc cây xăng đong thiếu phải bơm lại 500.000 đồng)
Nhưng nay có thêm người Nhật vào Việt Nam để bán xăng. Chủ cây xăng người Nhật đứng dưới mưa chào khách, nhân viên thì lau kiếng xe miễn phí.Thực ra những hành động như vậy chẳng mang lại chút lợi ích vật chất nào cho khách. Ông chủ người Nhật cũng không phải lúc nào cũng có thời gian đứng ra chào khách. Nhân viên khi khách đông cũng chẳng thể đứng ra lau kiếng xe.
Tuy nhiên điều đó lại mang đến cho khách một cảm giác rất khác lạ. Khách hàng sẽ thấy được cảm giác mình đang được giao thiệp giữa người với người hơn là người với "cái máy" - chỉ có mệnh lệnh và hành động, cảm thấy được quan tâm, coi trọng.
Không có gì lớn lao lắm, nhưng một khi khách hàng đã ấn tượng với những dịch vụ như thế, khi quay lại với các dịch vụ của cây xăng Việt Nam họ sẽ thấy khó chịu. Tất nhiên, họ sẽ chọn nơi nào thấy thoải mái.
Cũng như người dân thành phố hiện nay đã quen đi xe Uber, Grab sạch sẽ. Tài xế cởi mở, không sợ gian lận. Dù cho taxi truyền thống có giảm giá cho bằng Uber, Grab thì chưa chắc khách hàng sẽ chọn, vì cảm giác thoải mái quan trọng hơn nhiều.
>> Xem thêm: Lật tẩy nhiều nhân viên cây xăng ‘ảo thuật' ăn cắp 100.000 đồng
Chia sẻ bài viết của bạn về cây xăng tại đây.