Mấy ngày qua cộng đồng rất chú ý đoạn video "Học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong ở TP HCM cúi đầu chào bác bảo vệ". Một việc làm bình thường với đạo lý truyền thống Việt Nam -"lời chào cao hơn mâm cỗ", "thương trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho"… nhưng đã mang đến sự ngạc nhiên thích thú cho nhiều người.
Đây là ngôi trường con gái của tôi đang theo học. Vài lần vào liên hệ công việc khi đi trong các khu vực hành lang tới khu văn phòng tôi cũng đã nhận được những cái cúi đầu chào như thế của các học sinh. Mặc dù, tôi và các cháu không quen biết.
Thực ra không chỉ ở trường Lê Hồng Phong có văn hóa cúi chào người lớn mà tại một ngôi trường cấp 2 ở quận 1, nơi cháu tôi đang theo học cũng vậy. Không phải là toàn bộ nhưng có thể nói đa số học sinh đều chào thầy giám thị và chào các anh bảo vệ đứng ở cổng trường.
Sáng hôm nay, tôi chở con đi học. Sau khi dừng xe cho con xuống, tôi chạy xe được một đoạn thì thấy hai nữ sinh đang đi bộ qua đường. Tôi dừng xe nhường, ra hiệu cho các cháu đi qua, và nhận được những cái cúi đầu cám ơn mà lòng thấy vui. Một hình ảnh dễ thương tôi thường nhìn thấy hồi ở Nhật Bản thì nay đã thấy Việt Nam.
Việc đa số học sinh biết cúi đầu chào người lớn tuổi là một dấu hiệu khả quan về vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách, giúp các em biết cư xử hòa nhã với mọi người. Về phía người lớn, khi nhận được lời chào của các học sinh nên đáp lại một cách rõ ràng, hay tặng cho các cháu một nụ cười nồng hậu.
Từ quan sát thực tế tôi nhận thấy một bộ phận người lớn đáp lại cái chào của các cháu học sinh khá hờ hững. Một tiếng "ừ" trong cổ họng không thành tiếng, một cái gật đầu hay nụ cười cửa miệng không rõ ràng... Điều đó có thể sẽ làm cho một số em có cảm giác bị hụt hẫng, và không có tác dụng khuyến khích nét giao tiếp đẹp trong giới trẻ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.