Một người bạn của tôi từ NewYork về thăm quê hương, cậu ấy động lòng khi thấy một người phụ nữ ăn mặc rách rưới, ôm đứa trẻ ngồi lê lết bên vệ đường xin tiền. Chứng kiến cảnh tượng ấy, cậu bạn tôi định chạy tới chỗ họ để cho tiền, tuy nhiên, cậu chưa kịp hành động thì đã bị người hướng dẫn viên ngăn lại.
Vì tò mò lẫn không cam lòng khi nghe người khác nói đó chỉ là trò lừa đảo, cậu bạn tôi đã nấp trong bụi cây từ sáng sớm để tìm hiểu, và biết được sự thật về người đàn bà nghèo khổ trông rất tội nghiệp, cộng những đứa trẻ "hầu như chưa bao giờ thức" của "bà mẹ" kia. Cậu ấy đã thực sự thất vọng và đem tâm trạng, sự buồn phiền ấy chia sẻ trên mạng xã hội. Qua câu chuyện của bạn, tôi muốn nói lên những điều như sau:
Chúng ta đã quá quen thuộc với cảnh những người bán bông tăm, những đứa trẻ xin ăn ngoài đường, một số người trong chúng ta cho tiền, số còn lại thì biết rõ đây là "màn kịch vô nhân đạo" được sắp sẵn từ trước nên không cho. Tuy vậy, biết hay không biết, đa số chúng ta đều có lòng trắc ẩn.
Chúng ta vô thức có một nỗi đau và sự thương cảm. Những người ăn xin ấy đã làm được điều quan trọng, đó là khơi gợi sự thương cảm trong mỗi người. Để rồi dù biết sẽ bị lừa (như tôi đã từng biết mình bị lừa vậy), dù không cho họ nữa, ta vẫn thấy thương.
(Xem thêm: Người ăn xin dùng iPhone 6 chụp lại 'thành quả lao động')
Có lần đi ngang qua người đàn ông già hom hem, đứa trẻ và người đàn bà, tôi bắt chước cách mà bạn tôi đã hỏi: "Mấy tên chăn dắt của chị đâu?". Người đàn bà hốt hoảng: "Đâu có", tôi biết ngay chị ta nói dối.
Thế rồi tôi cứ đứng đó, chị ta biết tôi còn đứng lâu là không làm ăn gì được, bèn nói: "Chị tội lắm, gia đình nghèo quá mới phải làm vậy. Vay nóng nhiều quá không trả là chết". Hóa ra là vậy, là vì chị vay nóng nên bây giờ họ bảo gì chị cũng phải làm.
Có người vì mắc bệnh, cần tiền để chữa nên "cày" để trả nợ, như ông lão ăn xin ở gần cầu Ông Lãnh. Chiêu thức của những kẻ chăn dắt thật đơn giản, ai cần tiền thì cho mượn, vay nhiều rồi không có tiền trả, bán con, bán thân, thân còn giá thì "làm gái", thân mất giá thì phải đi ăn mày, đủ kiểu, đủ trò... Nếu có báo cơ quan chức năng, têm trùm cũng chỉ mất vài năm giam giữ, mà nạn nhân của hắn sẽ bị hành hạ nhiều hơn nữa.
Nhà nước có thể cho những người ăn xin ấy một chốn nương thân, nhưng ai sẽ trả nợ cho họ? Ai sẽ lo cho gia đình họ? Có giúp họ thành "người hạnh phúc" theo đúng nghĩa không?
Tôi biết nhiều người cho người khác là vô cảm, nhưng thực tế chỉ là họ bị lừa đảo về tình cảm. Thực sự trong nội tâm của họ cũng đầy sự tranh đấu, cho hay không? Mình chấp nhận bị lừa như thế hay thà biết bị lừa mà vẫn thương họ?
Xã hội chúng ta tạo ra sự tranh đấu nội tâm và từ đó tạo ra sự vô cảm, sự vô cảm này cũng chính là hệ quả của sự tranh đấu, và chấp nhận không làm gì vì cũng chẳng biết phải làm gì.
Tôi đọc status của bạn mình và cảm thấy mình có trách nhiệm phải nói lên vấn đề này, để tránh cho các bạn phải bị "đau".
Nó không phải là nỗi đau thường trực của bạn vì bạn còn nhiều nỗi lo hơn, nhưng nó là nỗi đau tiềm ẩn trong bạn khi bạn nghĩ về nó hoặc thấy nó ngoài đường. Đó là nỗi lo giáo dục con cái thế nào khi nó thấy bạn làm ngơ trước nỗi đau người khác, và có khi nào lớn lên nó cũng học bạn "làm ngơ".
Tôi muốn nói lên điều này cũng cho tất cả những người ăn mày mà ta gặp. Vì những lý do gì đó họ nợ nần, do rượu có, bài bạc có, bệnh hoạn có, nhưng quy chung lại chỉ có hai lý do: họ không được giáo dục tốt và không hiểu những gì họ làm cho bản thân và xã hội là nghiêm trọng như thế nào. Và họ thiếu tình thương và sự giáo dục chính đáng.
(Xem thêm: Lật tẩy chiêu bài những đứa trẻ luôn ngủ trên tay người ăn xin)
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nhiều thứ, chứ không chỉ là tổ chức ăn mày. Từ nhỏ, đứa trẻ "ăn mày hôm nay" đã không có tình thương, không được dạy rằng tiền bạc mượn là phải trả, không được dạy rằng ta không chỉ sống cho mình mà còn sống cho xã hội nữa, rằng tiền bạc không xấu nhưng hại người, thiếu trung thực để kiếm tiền là xấu.
Rằng khi đứa trẻ có trách nhiệm với bản thân, nó tự biết rằng nó sẽ không hút chích, không bài bạc để tự bảo vệ bản thân, sẽ cố gắng để dành, làm việc có tiền để giúp đỡ người khác chứ không phải sống nhờ vào sự bố thí người khác.
Đứa trẻ đó hiểu rằng mình phải có lòng tự trọng, có sự tôn nghiêm của bản thân, thà sống nghèo, thác nghèo còn hơn sống nhục. Đứa trẻ được bảo ban rằng sống phải có lòng tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, có sự thành thật và nhân hậu.
Để có được đứa trẻ như thế, ta phải cho trẻ sống trong tình thương và sự nhân hậu, dạy cho trẻ có lòng tự trọng và trách nhiệm với bản thân và xã hội từ tấm bé, thì khi lớn, đứa trẻ đó sẽ không phải ngửa tay xin ai, hay chà đạp lên đồng loại mà sống. Chúng sẽ không xin ăn dù là xin ăn ở ngoài đường hay "ăn mày" trong tư tưởng.
Tôi phản đối việc là từ thiện theo kiểu "giúp người nghèo", một bao gạo, một ít thực phẩm không thể làm người ta giàu có lên được mà chỉ tập người ta thói quen ỷ lại vào người khác, nghĩ ai đó phải có trách nhiệm với mình.
Tôi ủng hộ xây cầu, làm trường, giúp người lúc ngặt, lúc ốm đau, cho họ một bữa ăn lúc lỡ làng, một ly nước lúc khát, nhưng phải tránh việc "nuôi" và tạo sự ỷ lại cho họ. Chúng ta có thể cho bất cứ thứ gì nâng cao nhận thức và tâm hồn con người, khuyến khích họ sống tốt hơn, đó mới là từ thiện đích thực.
Trở lại với câu chuyện cho hay không người ăn mày ngoài kia. Tôi nghĩ nên cho, nhưng không phải là tiền, mà có thể là một trái táo, một bữa cơm, một lời động viên, bất cứ thứ gì thể hiện bạn đang "care" (quan tâm). Tôi cho rằng, cái họ thiếu thốn là tiền, nhưng thiếu nhiều hơn chính là tình thương.
Mọi người ai cũng biết, nếu không ai cho họ tiền, thì việc ăn xin này có lẽ cũng chấm dứt, có thể họ sẽ bị đánh nhưng không bị giết, hay có thể trước khi công cuộc ăn xin này chấm dứt, ai đó trong số họ sẽ bị trừng phạt để làm gương.
Dù thế, chúng ta phải thể hiện mình giống như chiến binh trong một cuộc tranh đấu, cũng giống như đối với trẻ em, khi ta tranh đấu cho chúng thoát ra khỏi các thói xấu, thấy con khóc, ta cũng đau lòng lắm chứ, nhưng phải kiên quyết, kiên nhẫn và đầy yêu thương.
Nếu xã hội chúng ta có thể cho người ăn mày này tình thương, khuyên họ một câu, giúp họ điều gì đó ngoài tiền, thì biết đâu một ngày, với nhiều những người có tình thương như thế, ta có thể làm cho họ tỉnh thức, cảm nhận được họ còn được thương yêu chứ không phải là sự thương hại và là công cụ kiếm tiền. Cho dù họ có đau khổ thì họ vẫn còn biết, họ vẫn còn được thương và quan tâm đích thực.
Còn tôi, đôi khi đi ngang họ mà không có gì để cho, thì tôi cầu nguyện cho họ, cầu nguyện cho xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Tôi kiên trì cầu nguyện điều đó, vì tôi biết, không chỉ là ngày một ngày hai.
>> Xem thêm: Lật tẩy chiêu bài: "Tại sao những đứa trẻ trên tay người ăn xin luôn ngủ?"
'Ăn mày đang bò lê lết thấy công an liền chạy như tên bắn' |
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây