Hôm qua, tôi rước con đi học về đã chứng kiến một cảnh rất đáng sợ. Đó là khi đi đến đoạn đường ray xe lửa ở khúc Thích Quảng Đức quẹo vào chùa Pháp Hoa (TP HCM), có một bà mẹ chở con trai khoảng 10 tuổi đi học về. Bé đang ngồi sau xe uống sữa hộp.
Khi đến khúc đường ray đã có tín hiệu dừng xe của các bạn áo xanh hỗ trợ nhưng người mẹ không dừng và tôi đoán là định vượt qua theo một chiếc xe phía trước. Nhưng xe lửa đã đến có vẻ cũng gần, nên cô ấy phanh đột ngột lại, mũi xe ngay sát đường ray.
Cô ấy hoảng hốt xuống xe dắt lùi lại, nhưng khổ nỗi là khúc này đang đổ dốc nên dắt lùi khá nặng. Bé trai ngồi sau xe vẫn uống sữa bình thản như không có chuyện gì.
(Xem thêm: Tôi dạy con trai nói tiếng Anh từ 3 tuổi như thế nào)
Người mẹ nhỏ con, chiếc xe máy và cậu con trai ngồi trên yên có vẻ như quá sức với cô ấy. Gương mặt cô ấy tái nhợt, bối rối và tiếng còi xe lửa thì càng lớn. May mắn, có một chú chạy lại kéo giúp xe ra và ngay sau đó khoảng vài giây thì xe lửa đi qua. Toàn bộ câu chuyện xảy ra khoảng 15 giây.
Con trai tôi ngồi trước chứng kiến câu chuyện cứ hỏi hoài: "Sao anh đó không xuống phụ mẹ kéo xe? Sao anh đó vẫn bình thản uống sữa được?". Còn tôi trong lòng cũng tự hỏi: "Sao cô ấy không kêu con xuống phụ mẹ, hoặc cũng là kêu nó xuống để cho nhẹ và đảm bảo an toàn tính mạng?". Rồi tôi đoán mò: "Chắc cô ấy đã từ lâu không có yêu cầu con làm gì cho mình nên bị mất phản xạ chăng?".
Rồi tôi cũng suy tư và liên hệ những câu chuyện xưa lắc xưa lơ trên mạng về những cảnh tương tự và tự hỏi: "Chúng ta đang thương con, giúp cho con sung sướng hay chúng ta đang tạo ra một thế hệ không có trách nhiệm, bàng quan trước sự khó khăn của người khác, không chịu đựng được khó khăn, không biết xử lý các vấn đề nguy cấp, không biết nghĩ ra cách giải quyết vấn đề thông minh...".
Đó có phải là một phần của câu trả lời cho những lời than thở của các nhà lãnh đạo và nhân sự về một thế hệ trẻ mới ra trường "ngu ngơ"?
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>> Xem thêm: Tôi không về sống ở Việt Nam để các con có tuổi thơ trọn vẹn