Innocent Killer (Kẻ giết người vô tội) là cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng nói về một kẻ giết người hàng loạt. Thế nhưng, nó có liên quan gì đến bài viết này, điều tôi muốn nói đến chính là những kẻ hoảng hốt, sợ hãi ghìm chặt tay lái, cố kiềm chế những cỗ máy bốn bánh bất kham gầm rú càn quét trên đường.
Xe điên - không biết từ lúc nào cụm từ này đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân đô thị đang hàng ngày chen chúc trong dòng giao thông chật hẹp.
Kinh tế đất nước ngày một phát triển, ôtô dù vẫn còn là mặt hàng xa xỉ nhưng vô hình chung lại trở thành tiêu chuẩn thể hiện sự sung túc, đủ đầy của cư dân thành thị.
Ôtô ngày càng nhiều, đem đến cho thành phố hình ảnh vừa hiện đại vừa chật chội. Thế nhưng, mặt trái của trào lưu ôtô hóa lại không phải là tình trạng kẹt xe, mà là tai nạn giao thông. Những chiếc xe hơi thời thượng được lái bởi những người không đủ khả năng kiểm soát, đã biến thành cỗ máy giết người ám ảnh tất cả chúng ta.
Tình trạng người có bằng lái xe nhưng không đạt yêu cầu lưu thông thực tế không phải là mới mà đã tồn tại từ rất lâu. Chuyện gì cũng có nguyên nhân.
Với mô hình thi bằng lái xe ôtô hiện nay, sa hình chấm điểm điện tử, ngoại trừ giảm thiểu những yếu tố tiêu cực liên quan đến con người, thì những bài thi lại mang tính rập khuôn cứng nhắc đến bất ngờ, chỉ làm khó được người chưa "thuộc bài".
Nếu ai đã từng đi thi bằng lái ôtô, chắc chắn đều biết các “mẹo” và những cột mốc nhắc nhở cực kỳ hữu hiệu để đạt điểm tối đa mỗi bài thi.
Ngạc nhiên nhất là bài thi "dừng khẩn cấp". Ngay cả tình huống "khẩn cấp” trên sa hình cũng được mô phỏng rõ tại hai vị trí cố định, nếu không xuất hiện tại điểm này thì chắc chắn là điểm kia. Người thi chỉ cần đi chậm, rà chân lên bàn thắng chờ tín hiệu, phanh gấp rồi bấm nút ưu tiên, thế là xong.
Liệu khi lái xe thực tế, ai sẽ báo cho họ tình huống phanh gấp sẽ xảy ra ở đâu? Liệu trong trong trường hợp khẩn cấp, một người lái xe được đào tạo “đối phó tình huống” như vậy, sẽ đạp thắng kịp thời hay nhầm lẫn với chân ga?
Liệu những bài thi như vậy đáp ứng được điều gì, ngoại trừ chứng minh rằng người thi có khả năng "vận hành" một chiếc ôtô? Trong khi, điều cần thiết nhất của người lái xe là khả năng kiểm soát phương tiện trong mọi tình huống, kiểm soát một cách gần như thành phản xạ.
Tôi chợt nhớ đến một lần đi chơi xa với nhóm bạn. Trên đường về, chúng tôi thay nhau lái xe vì đứa nào cũng mệt mỏi. Gần cuối chặng đường, tôi nhường tài cho một anh bạn vừa thi đậu bằng lái xe. Đang thiêm thiếp mơ màng, tôi chợt rợn người khi phát hiện cách anh ta đang lái xe... cả hai chân cho xe số tự động, một chân thắng, một chân ga. Tôi vội vàng yêu cầu bạn đổi lại cho mình lái.
Có lẽ khi tôi nói tới đây, một số độc giả sẽ cho rằng tôi đang nghiêm trọng hoá vấn đề, nhưng sự thật là lái xe bằng cả hai chân ga và thắng là điều tối kỵ, là trường hợp điểm loại đánh rớt khi thi bằng lái xe ở nước ngoài. Vì đơn giản rằng, thắng xe được thiết kế cho hãm trọng lượng và gia tốc của xe, không thể chịu đựng thêm sức máy.
Trong trường hợp khẩn cấp, theo phản xạ người lái dùng cả hai chân cùng đạp, hậu quả thiết tưởng không cần nói đến... Vì thế, người ta thiết kế ôtô, cả số sàn và tự động, đều để dùng duy nhất một chân cho cả ga và thắng. Chân ga với bàn đạp nhỏ và sâu bên trong, chân thắng với bàn đạp to và cạnh bên trên, tất cả những đặc điểm vật lý đó đều dành cho chân phải người lái xe, bảo đảm dễ thao tác và nhanh chóng.
Tại Việt Nam, phần lớn chúng ta, đặc biệt là người dân đô thị, đều được tập làm quen với những chiếc xe máy khi vừa lớn lên. Với thiết kế cấu tạo của chiếc xe máy, tay hoặc chân người lái có thể “đặt hờ” lên thắng xe, như sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào.
Và khi thói quen đó đã ăn vào máu, dù đang lái ôtô, chúng ta cũng muốn lúc nào chân trái hỗ trợ ở "tư thế" thủ sẵn trên thắng. Có thể điều đó đem đến cảm giác an toàn, nhưng ngược lại chúng ta đang tự đưa mình và những người khác vào tình huống nguy hiểm. Để khi trong một tình huống va quẹt nhỏ hoặc cúp đầu làm người lái xe giật mình, "ngòi nổ" sẽ kích hoạt. Một người lái xe hiền lành trở thành một kẻ giết người vô tội, không chủ đích.
Thế mới biết, vận hành và kiểm soát là hai khái niệm tuy "họ hàng gần" mà cách xa vời vợi.
>> Xem thêm: Lái xe Lexus song phi người chở nước sau va quẹt là đúng hay sai?
Đạo đức lái xe của tài xế đang xuống cấp?
Vụ tai nạn nào cũng làm tôi thấy đau lòng, và sợ hãi khi phải tham gia giao thông. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.