Sau khi đọc bài viết Nhiều du học sinh khó tìm được việc khi về nước, tôi muốn chia sẻ một vài vấn đề với những người trẻ.
Hồi mới ra trường, đi đâu, gặp ai, nhất là bạn học cũ, người ta đều hỏi tôi đang làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu? Hơn chục năm sau, người ta không còn hỏi những câu như vậy nữa (đúng hơn là vẫn hỏi, nhưng không còn là câu cửa miệng).
Làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu giờ là chuyện riêng của mỗi người, chúng ta chỉ cần sống tốt là được rồi. Mỗi lứa tuổi dường như có một nỗi ám ảnh nhất định phải trải qua, như đã được lập trình trong tiềm thức vậy.
Đến lứa tuổi đó, người ta sẽ nói và hành động như đã được lập trình, nói cách khác là "như đúng rồi", trong khi chúng chỉ là si mê ngộ nhận.
Một đứa trẻ con, nỗi ám ảnh của nó là hoàng tử, là siêu nhân, anh hùng, hay những nhân vật được ca tụng, chỉ trỏ nhiều trên màn ảnh.
Có thể là do tôi đi ít, biết ít nhưng tôi chưa từng gặp đứa bé nào có thể ngộ ra nó không là ai cả, không là cái gì, nó chỉ là một cái gì đó yếu đuối, nhỏ bé, hữu hạn như một hạt bụi mong manh trong vũ trụ.
Trẻ con dường như không nhận ra được sự nhỏ bé của nó là hiển nhiên. Những đứa trẻ tôi gặp phần lớn mang ảo tưởng chúng là ai đó vượt trội. Chúng múa may, bắt chước điệu bộ, cử chỉ của các siêu nhân, anh hùng mà chúng xem trên màn ảnh.
Có vẻ như chúng nghĩ rằng chỉ cần bắt chước điệu bộ, cử chỉ đó, chỉ cần mặc áo in hình siêu nhân, cầm kiếm ánh sáng múa may là chúng sẽ được người ta nhìn nhận như là siêu nhân, anh hùng và vỗ tay tán thưởng.
Tôi chưa từng thấy một đứa trẻ nào ý thức được rằng con người tuy tầm thường, nhỏ bé nhưng lại có thể làm được những phi thường từ những thứ tầm thường, từ những việc như rửa bát, quét nhà hay chỉ từ những phép toán cộng trừ nhân chia đơn giản.
Nếu trẻ con mơ trở thành siêu nhân, anh hùng thì người lớn mơ trở thành ông nọ, bà kia, thăng quan phát tài. Tất cả đều thấy tự nhiên phải sống như thế, phải làm như thế.
Người lớn nhìn giấc mơ trở thành của trẻ con là “trẻ con”, là khôi hài nhưng không nhìn thấy giấc mơ trở thành của họ có nội dung tâm lý tương tự.
Trẻ con thì không nhận ra nó không là ai cả nhưng người lớn lại luôn không bằng lòng, an tâm với việc họ không là ai cả. Họ cứ phải là một ai đó được xã hội công nhận cái đã, rồi phải là một cái gì đó khác biệt.
Đi du học hay học trong nước, làm ở nước ngoài hay ở Việt Nam, những cái đó tạo ra sự khác biệt không? Có thể, ở một góc nhìn cận cảnh. Nhưng nhập vai nào chăng nữa, con người rốt cục vẫn chỉ là khách trọ trần gian. Có mấy ai thoát khỏi kiếp khách trọ đấy đâu…
Tôi từng ao ước giá như lúc tôi còn bé, đã có ai đó thức tỉnh tôi, nói cho tôi biết sự thật hiển nhiên về bản thân. Nghĩ thì nghĩ thế thôi chứ rất có thể đã có người nói với tôi điều đó, không chỉ một người và không chỉ một lần lúc tôi còn bé.
Nhưng vào lúc đó, cái đứa bé tôi chỉ cười khẩy trong bụng, tự ái vì bị ai đó dạy bảo và lừa lừa người ta nói xong thì mình chạy đi xem phim hoạt hình hoặc đi chơi với chúng bạn. Tôi đã được lập trình để phản ứng như thế. Và nếu có kiếp khác, chẳng có gì đảm bảo là tôi sẽ làm khác đi.
>> Xem thêm: Sinh viên thất nghiệp tăng cao vì quá lười biếng
Du học sinh Mỹ về nước chê 'lương 10 triệu quá thấp'
Các bạn nên bỏ lối suy nghĩ rằng du học sinh giỏi hơn sinh viên trong nước. Không phải cứ du học sinh là phải nhận lương cao hơn lao động tại Việt Nam. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.