Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress những điều có thể xảy ra với Hoa Kỳ nếu Donald Trump làm tổng thống.
Trong khi các quốc gia lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra đối với nước mình nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, thì nhiều bạn đọc Việt bảo rằng người Mỹ chỉ quan tâm tới nước họ, vì vậy mới bầu cho Donald Trump. Thực tế lại có nhiều người Mỹ chỉ ra rằng, nếu ông Trump thắng cử có thể trở thành tai họa cho nước này.
Trước hết, kinh tế có lẽ được xem là điểm mạnh của Donald Trump. Với cái mác tỷ phú và những tuyên bố mạnh miệng về việc "làm nước Mỹ vĩ đại lần nữa", Trump có vẻ như thấu hiểu về kinh tế. Tuy vậy, Trump chẳng đưa ra bất kỳ một chính sách kinh tế nào, trừ việc sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ở Mỹ vốn đã nhận mức thuế vào hàng thấp nhất trong các nước phát triển, vậy mà họ vẫn nhận thêm nhiều ưu đãi, kể cả việc nhận trợ cấp của chính phủ trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Giảm thuế cho doanh nghiệp không tạo ra việc làm, nó chỉ tạo ra cổ tức cao, tức là người giàu nắm nhiều cổ phiếu được lợi.
Trump cũng cho rằng, việc áp thuế lên hàng hóa nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh dễ hơn, nhất là trong các ngành lao động sản xuất. Giá lao động rẻ là nguyên nhân các ngành nghề sản xuất trình độ thấp như may mặc, kéo nhau về Việt Nam và Bangladesh. Nhưng cho dù Mỹ có áp thuế lên các mặt hàng này thì chênh lệch giá cả cũng không giúp được gì cho người lao động Mỹ, bởi giá lao động ở Mỹ quá cao.
Tuy vậy, những người lao động Mỹ làm nhiều năm trong các công xưởng sản xuất rất tức giận, và họ tin rằng những tuyên bố của Trump sẽ giúp họ có nhiều việc làm, hay những việc làm tốt hơn. Họ lại không nghĩ tới thực tế là ông Trump cũng trục lợi từ chênh lệch giá lao động, khi mà các mặt hàng sản xuất của công ty Trump được sản xuất ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ đã giải quyết vấn đề kinh tế của họ bằng cách tạo ra các việc làm đòi hỏi trình độ cao, mà ngành công nghệ thông tin và năng lượng sạch là tiêu biểu. Nhưng các ngành này đòi hỏi trình độ học vấn cao.
Trong khi nhiều người Mỹ đã học đại học và thành công trong các lĩnh vực này, thì cũng có một phần lớn khác thì không có khả năng học đại học, nhất là các công nhân lớn tuổi đã dành một nửa cuộc đời làm công nhân. Thực tế này chỉ phản ánh sự khốc liệt của kinh tế trong toàn cầu. Những "liệu pháp" của Trump chỉ là lợi dụng sự đau khổ của những người Mỹ yếu thế mà thôi.
Mặt khác, Donald Trump được ủng hộ bởi những tuyên bố mạnh miệng của ông về vấn đề nhập cư. Đối với nhiều người da trắng, nhập cư chỉ đem tới sự cạnh tranh việc làm và phá giá lương bổng. Nước Mỹ là nước của người nhập cư, việc người da trắng tới trước không phải là lý do để họ đòi cấm những sắc tộc khác nhập cư.
Việc kêu gọi cấm hoàn toàn người nhập cư Hồi giáo không những chẳng đem lại lợi lộc gì trong việc đấu tranh khủng bố, mà chỉ khiến những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan chỉ ra rằng nước Mỹ muốn một cuộc "thánh chiến" giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo, một viễn cảnh không ai trông đợi.
Mặt khác, những đòi hỏi của Trump về quốc phòng càng khiến người ta lạnh sống gáy. Trump muốn Mỹ rút quân khỏi Nhật, và các đồng minh trong NATO phải đóng góp nhiều hơn trong quốc phòng.
Trump không nhận ra rằng vị thế quân sự của Mỹ trên thế giới giúp nước này có được những ưu đãi béo bở trong kinh tế. Cụ thể, giá xăng dầu của Mỹ thấp hơn các nước ở châu Âu vì vị thế quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Việc tự nguyện từ bỏ vị thế quân sự là một điều mà không tổng thống Mỹ nào nghĩ tới từ trứơc tới giờ, có lẽ vì không ai trong số họ lại nghĩ tới việc tự mình hại mình.
Những lời lẽ hậm hực của Trump hướng tới Trung Quốc khiến nhiều người Mỹ thích thú. Nhưng Trump không đưa ra biện pháp nào ngoài việc đòi áp thuế lên nhập khẩu và từ bỏ các hiệp định thương mại tự do.
Khi Mỹ đánh thuế các nước khác thì hàng hóa vào Mỹ sẽ đắt hơn - và người dân sẽ lãnh hậu quả trước nhất. Còn hàng hóa của Mỹ vốn đã đắt hơn thông thường sẽ càng đắt, và người tiêu dùng ở các nước khác chắc sẽ chạy mất dép.
Đấy là chưa kể những hậu quả khó lường nếu Mỹ bỏ đi vị thế quân sự ở châu Á. Trong vụ việc biển Đông chẳng hạn, cái mà Mỹ thực sự quan tâm không phải vì lợi ích của các đồng minh như Philippines, mà là những lợi ích thương mại của Mỹ.
Biển Đông là nơi mà 2/3 số lượng hàng hóa di chuyển bằng đường thủy đi ngang. Nếu Trung Quốc độc bá khu vực biển này thì hàng hóa của các nước - gồm cả những nước bán cho và mua của Mỹ sẽ gặp khó khăn khi di chuyển. Trong thương mại, giao thông là tối quan trọng. Việc mất kiểm soát ở một vùng biển chiến lược về kinh tế là điều Mỹ không mong muốn.
Sau cùng, những tuyên bố mang tính chất khiêu khích cũng như sự thiếu hiểu biết về hiến pháp của Mỹ càng khiến người ta giật mình. Từ việc ca ngợi Putin - người mà Mỹ xem là đối trọng - cho tới việc chỉ trích các cựu chiến binh và gia đình của họ chỉ ra rằng Trump không nể nang ai cả.
Trên bàn chính trị thế giới, nơi mà mỗi lời của tổng thống Mỹ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, thì những lời nói vô trách nhiệm có thể khiến Mỹ mất đi các đồng minh quan trọng, hay thậm chí gây ra khủng hoảng ngoại giao và cả xung đột vũ trang không đáng có.
Vậy vì sao mà vẫn có nhiều người thuộc đảng Cộng Hòa bầu cho Trump? Có lẽ vì ông đem lại nguồn an ủi cho các cử tri lao động bị bỏ quên trong cuộc toàn cầu hóa kinh tế.
Điều đáng tiếc là các thành phần cử tri này không nhận ra rằng, những tuyên bố mạnh miệng của Trump không những sẽ không giúp gì cho họ, mà càng khiến cuộc sống của họ lao đao hơn. Đó là một viễn cảnh không xa, khi hàng hóa ở Mỹ thì tăng giá, còn việc làm lao động phổ thông thì mãi chẳng trở lại.
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.