Những ngày gần đây, tôi thấy có rất nhiều người chia sẻ đoạn video Hai vợ chồng già móc túi bị đánh đập giữa phố trên Facebook. Hành vi của hai vợ chồng này rõ ràng là sai và vi phạm pháp luật, nhưng hành động của những người trực tiếp tham gia đánh hội đồng và cả những người đứng quay phim, quan sát, cười cợt… liệu có phải là hồi chuông báo động về đạo đức của người Việt thời hiện đại?
Đoạn video bắt đầu với những hình ảnh đầy bạo lực, thậm chí có phần ám ảnh. Hai vợ chồng già ngồi thu lu trong một góc và liên tiếp phải hứng chịu những cú đánh, đá thẳng vào phần đầu, mặt... của những thanh niên sức dài vai rộng.
Đáng buồn thay, người duy nhất đứng ra can ngăn những hành vi trên lại là một cụ ông. Còn những “quan sát viên” xung quanh hầu như không có bất kỳ động thái gì để ngăn cản, thậm chí nhiều người còn lên tiếng ủng hộ, cổ súy cho các thanh niên này.
Sau màn hành hung tại chỗ, lại tới màn trừng phạt theo kiểu “diễu hành”. Người chồng già bị hai thanh niên (áo trắng và áo đen) trói ngoặt tay ra sau lưng như tội phạm nguy hiểm, dù ông ta có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu sức lực để chống cự hay bỏ trốn.
Trong lúc trói, thanh niên áo trắng còn tặng ông cụ một cái đầu gối vào giữa vùng mặt. Người vợ già cũng bị trói hai tay trước bụng, nối với dây trói của chồng. Nam thanh niên áo trắng cũng không quên tặng bà cụ một cái tát tai.
Xong màn nối dây, người vợ bước đi kéo theo ông chồng phía sau theo hướng dẫn của hai thanh niên này. Có lẽ vì di chuyển hơi chậm, ông cụ bị thanh niên áo đen cho một cái bạt tai cảnh cáo.
Được một đoạn đường, một người trong đoàn “diễu hành” có ý định cho hai vợ chồng này lên xe máy để áp tải tới đồn công an, nhưng đám đông đi theo đã lên tiếng phản đối.
“Không cho lên”, “cho đi bộ”… là những cụm từ mà tôi nghe được từ đám đông, mà rõ ràng nhất là giọng của một phụ nữ. Thế là hai ông bà cụ phải tiếp tục đi bộ, có vẻ chân trái đã bị thương nên ông cụ di chuyển rất khó khăn, tuy nhiên, vì lý do đi chậm, hai vợ chồng già thường bị đánh vào đầu từ phía sau để “nhắc nhở” nhanh chân lên.
Được một đoạn, thanh niên áo trắng nổi máu anh hùng, nghênh ngang như vừa lập được chiến công, tiến tới gần người vợ nắm tóc giật ngược ra sau và tát liên tiếp vào vùng mặt.
Lúc này xuất hiện một vài thanh niên đi xe gắn máy tỏ ý muốn cho hai vợ chồng lên xe sau khi chứng kiến vụ việc. Tuy nhiên, một lần nữa, đám đông lại phản đối: “Cho nó đi bộ từ đây”, “không cho lên xe”... Lại là giọng người phụ nữ ban nãy, to và rõ ràng nhất. Đám thanh niên đành bỏ đi trước sự phản đối của đoàn người.
Cuộc diễu hành tiếp tục và ngày càng đông người tham gia, hai vợ chồng già vẫn tiếp tục bị “nhắc nhở” từ phía sau. Một lần nữa, thanh niên áo trắng lại thể hiện sức mạnh của mình, lần này có thêm sự trợ giúp của chiếc dép cao su. Anh ta giật ngược tóc người vợ và dùng chiếc dép đánh liên tiếp vào vùng mặt bà cụ - đấy là hình ảnh không thể đẹp hơn về “người hùng” bắt cướp.
Tôi chợt nghĩ, giá như những vụ cướp giật, trấn lột, hành hung… xảy ra trên đường mà có mặt của anh thanh niên này, thì có lẽ bọn tội phạm chắc cũng phải bỏ nghề. Cuối cùng thì lực lượng chức năng cũng đã có mặt, và áp tải cặp vợ chồng này đi, như là một sự giải thoát khỏi đám người tàn nhẫn, vô cảm.
Đành rằng việc làm của đôi vợ chồng này là sai trái, tuy nhiên hành động của những người tham gia “cuộc diễu hành” liệu có là đúng đắn?
Có thể xem những hành động chửi bới, lăng mạ, dùng tay, chân, dép cao su đánh, đá vào đầu, mặt những người đáng tuổi bố mẹ mình, trói tay chân bắt diễu hành trên phố đông người... là xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Dù biết việc bắt giữ tội phạm quả tang là được phép, nhưng họ lấy đâu ra quyền xúc phạm, sỉ nhục, đánh đập người khác?
Theo điều 82, Bộ luật tố tụng hình sự: "Khi bắt được tội phạm phải giải ngay đến các cơ quan có thẩm quyền". Những hành vi mà đám người này thực hiện, nhất là hai thanh niên trực tiếp tham gia hành hung đôi vợ chồng già này hoàn toàn có thể được coi là đã vi phạm pháp luật.
Sau vụ việc này, có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với hai thanh niên kia và những người tham gia “diễu hành”, vì việc bắt trói, đánh đập trộm cướp, móc túi ngoài phố vẫn thường diễn ra ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một lúc nào đó nghĩ lại về những gì mình đã làm, hay xem được đoạn clip này, hoặc con cái họ nhìn thấy... liệu họ có cảm thấy xấu hổ và tội lỗi về những hành động mình đã làm với hai người già hầu như không có sức chống cự hay không?
Liệu có lúc nào đó vô tình gặp trộm, cướp trên đường mà đối tượng là những tên côn đồ trẻ, khỏe, hai anh thanh niên “dũng cảm” kia liệu có dám xông pha cứu người, bắt cướp hay chuyên môn của họ chỉ là những người già yếu thế không có sức kháng cự?
Bạo lực, vô cảm, tàn nhẫn thiết nghĩ là những từ có thể miêu tả phần nào xã hội của chúng ta hiện tại, một xã hội ngày càng hiện đại hơn nhưng đạo đức con người thì lại ngày càng xuống dốc.
Những đoạn video về bạo lực học đường đang được đăng nhan nhản trên mạng xã hội. Chúng ta có thể xem và dễ dàng đưa ra những nhận xét như: “Hư hỏng”, “không có đạo đức”… Thế nhưng, những hành vi của con trẻ có phải do ảnh hưởng từ người lớn? Và liệu những người trưởng thành như chúng ta đã thật sự có đạo đức hay chưa?
>> Xem thêm: Chen chân vào siêu thị 'bị đánh hội đồng đến đổ máu'
Đi xin việc gặp công ty lừa đảo, còn bị đánh hội đồng
Những thông tin họ đưa ra không hề giống với trên mạng đã đăng trước đó, tôi hỏi lại cho rõ ràng thì bị nhân viên ở đây nhào đến, đánh tới tấp vào mặt... |
Chia sẻ bài viết của bạn về chuyện đánh hội đồng nghi phạm tại đây.